HTX nông nghiệp sạch An Phú, phường Chiềng An, thành phố Sơn La có hơn 40 ha trồng các loại cây ăn quả như: thanh long ruột đỏ, na, mận, bơ... Không chỉ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm quả, HTX cũng chủ động tìm hiểu, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Quàng Văn Trung, Giám đốc HTX cho biết: “HTX tận dụng những sản phẩm phụ như cành, quả rụng thì gom lại, ủ thêm nấm đối kháng, phụ phẩm như phân chuồng... ủ thành phân hữu cơ để bón lại cho cây trồng”.
Để tạo thêm nguồn thức ăn cho gia súc, nhất là dự trữ cho mùa đông, gia đình chị Lò Thị Hướng, ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đã tận dụng một số loại phụ phẩm nông nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, trình độ áp dụng kỹ thuật hạn chế, nên việc ủ thức ăn còn sơ sài; chị Hướng cũng chưa biết cách để nâng cao chất lượng nguồn thức ăn này.
“Tôi thường lấy những cây ngô đã bẻ bắp, rồi đi cắt cỏ voi mang về cắt ra để ủ. Tôi chỉ ủ không thôi, không cho thêm gì vào. Cái này tôi cũng tự làm thôi chứ cũng không ai hướng dẫn” - chị Hướng chia sẻ.
Bên cạnh các HTX, nông hộ đã và đang tiếp cận với mô hình kinh tế tuần hoàn, không ít người dân còn mơ hồ trước khái niệm này và vẫn sản xuất theo cách truyền thống, như bà Lò Thị Sơ và nhiều hộ dân ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu do chưa biết cách tận dụng phụ phẩm của các loại cây trồng để chế biến thành nguồn phân hữu cơ, phân vi sinh, nên vẫn phải đi mua nguyên liệu đầu vào để chăm bón cho vườn cây.
“Bà con trồng bắp cải thì sau khi thu xong bắp còn lá cũng chưa biết chế biến thành phân bón cho cây. Mình chỉ cho con gà, con vịt ăn, hoặc để ở đây rồi bỏ đi thôi” - bà Sơ nói.
Tại Sơn La hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn mới chỉ được triển khai ở một số doanh nghiệp, nhà máy lớn như các nhà máy chế biến mía đường, sữa bò, cà phê, chè... Còn với phần lớn các HTX, nông hộ, nông dân, việc triển khai mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Việc triển khai trên diện rộng gặp rất nhiều khó khăn bởi vì do tập quán canh tác cũng như nhận thức của các hộ dân làm nông nghiệp nói chung cơ bản vẫn có thói quen đem đốt bỏ, hoặc dọn sạch đi thôi chứ cũng chưa biết ủ, biết tận dụng làm phân bón để bón lại cho cây trồng”.
Là "vựa" quả lớn thứ 2 của cả nước với hơn 84.000 ha, cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp có diện tích, sản lượng dẫn đầu khu vực, Sơn La có nguồn nguyên liệu dồi dào để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên hiện nay, còn nhiều phế phụ phẩm sau chế biến của các loại nông sản, trái cây chưa được tận dụng; việc ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý, sản xuất còn hạn chế; mô hình kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn cũng mới bước đầu thực hiện...
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La cho biết: “Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng các mô hình; đồng thời giới thiệu, tuyên truyền các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là việc sử dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tái sản xuất; từ đó nhân rộng mô hình, tạo phong trào sâu rộng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh”.
Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La cũng đang rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn HTX, nông hộ, nông dân thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là với các HTX đã và đang xây dựng sản phẩm tham gia chương trình OCOP ở địa phương./.
Theo VOV.VN