Thị trường tiềm năng nhưng không dễ tính
Trung Quốc là thị trường trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại khai thác các thị trường có FTA, khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước, trong đó chú trọng thị trường Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương, vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng trong những quý tiếp theo.
Tại hội nghị “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, bởi là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai chỉ sau Mỹ. Trung Quốc hiện vẫn là nước đông dân nhất thế giới, gấp hơn 14 lần dân số nước ta và là nước sở hữu rất nhiều tài nguyên khoáng sản. Không chỉ có chung đường biên giới cả trên bộ, trên biển, Trung Quốc còn có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng và có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ ngàn đời nay. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với chúng ta... Bởi vậy, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn luôn là ưu tiên trong chính sách thương mại.
Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay: "Khi chúng tôi đi khảo sát thị trường, đến một doanh nghiệp vận tải lớn, số lượng container nông sản, hàng nhập, xuất hơn 100 container/ngày nhưng số container của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%. Điều đó cho thấy, tiềm năng và dư địa để gia tăng xuất khẩu là rất lớn".
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Doanh nghiệp Việt Nam phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này.
Từ 2021 đến nay Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định thắt chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, công ty của ông chuyên xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu này mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến khi Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng yêu cầu phải thay đổi công nghệ mới xuất khẩu được. “Tôi cũng không rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký được theo hai lệnh này, nhưng rõ ràng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy
Đánh giá về khó khăn, thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Đinh Thành Công - Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc - cho rằng, tiềm năng phục hồi và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều khi thị trường này mở cửa trở lại, nhu cầu nội địa cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết. Song, vẫn còn nhiều khó khăn như địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu tại Trung Quốc chưa thực sự khôi phục; dịch bệnh khó lường. Đây là những yếu tố tác động đến thương mại giữa hai nước.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp Việt vẫn quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính và giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường như 10 - 20 năm trước thì chắc chắn là sẽ để mất thị trường này.
Để chinh phục được thị trường Trung Quốc trong giai đoạn mới, theo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch VLA, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoa quả, nông sản cần nhanh chóng chuyển dịch xuất khẩu từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch nhằm khai thác cơ hội tăng thị phần tại Trung Quốc; cần xây dựng trung tâm hỗ trợ thông quan tại các cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu giải quyết nhanh các vướng mắc vì hiện nay tình trạng tắc nghẽn cục bộ ở các cửa khẩu vẫn thường xuyên diễn ra.
Các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ những yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn, phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Các địa phương cùng Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng; đồng thời chú trọng việc nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu... Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, nên coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn giống như vậy mới thành công được.