Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất.
Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với mọi hàng hóa, dịch vụ
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình số 191/TTr-CP gửi Quốc hội dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Dự án này đã trình và được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết 67/NQ-CP ngày 2/5. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự án Nghị quyết của Quốc hội về VAT theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp Quốc tháng 5/2023.
Nếu dự án được thông qua, mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% sẽ được giảm 2% về mức 8%. Đồng thời, giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Cụ thể, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Điểm giống nhau giữa dự án giảm thuế VAT năm ngoái và đề xuất của năm nay đó là mức giảm giống nhau 2% còn điểm khác nhau là trong khi năm ngoái 2022, việc giảm thuế VAT chỉ áp dụng cho 1 số hàng hóa, dịch vụ nhất định thì đề xuất của năm nay là cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%.
Đề xuất này được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao bởi năm ngoái khi chỉ có 1 số hàng hóa, dịch vụ được giảm khiến cho doanh nghiệp, người dân và cơ quan thuế phải mất thời gian để xác định rõ các mặt hàng được giảm. Năm nay, đề xuất giảm cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đã khắc phục được nhược điểm này.
Chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết
Theo đánh giá, nếu giảm thuế VAT 2% thì người dân, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này bởi việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
"Việc giảm 2% thuế VAT dù không lớn nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết cho người dân, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay”, bà Nguyễn Mai Chi, ở Kim Ngưu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.
“Khi thuế VAT giảm thì giá hàng hóa cũng sẽ giảm đi được phần nào, gia đình tôi cũng sẽ tiết kiệm thêm được ít tiền”, chị Phạm Hải Trà, ở Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đánh giá, tại thời điểm này, chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong Quý 1, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên… Do đó, việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.
“Thuế VAT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.
Cũng theo bà Cúc, trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế VAT năm 2022 còn gặp một số khó khăn như khó phân biệt các dịch vụ không được giảm thuế. Đơn cử như sản phẩm cơ khí và một số sản phẩm khác. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xác định các thuế suất được giảm để xuất hóa đơn đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, năm 2022, chính sách giảm thuế VAT loại trừ các hoạt động liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc xử lý, mở rộng đối tượng giảm thuế VAT cho tất cả mặt hàng là cần thiết và phù hợp.
“Với phương án giảm thuế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, không gặp khó khăn khi phân biệt thuế suất đối với hàng hóa dịch vụ có thuế suất khác nhau được giảm và không được giảm; giảm thiểu các trường hợp sai sót viết hóa đơn chứng từ, điều chỉnh hóa đơn chứng từ. Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế VAT năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi còn là cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, bà Cúc nhận định.
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: "Việc giảm thuế VAT đồng loạt các mặt hàng chịu thuế 10% hiện nay là "bài học kinh nghiệm" và "sửa sai" của Bộ Tài chính, các năm trước doanh nghiệp dù được giảm thuế VAT, nhưng làm sổ sách đến khổ, rất cực vì một số mặt hàng được giảm về 8%, nhưng còn có mặt hàng vẫn giữ 10%".
Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, nếu Quốc hội thông qua giảm thuế VAT 2% (dự kiến thông qua kỳ họp vào tháng 6/2023), thu ngân sách 6 tháng cuối năm có thể giảm 35.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD, nhưng mặt được lợi có thể sẽ là lớn hơn nhiều.
“Nếu tính số tuyệt đối thì thuế VAT có thể giảm, nhưng giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu các khoản thuế khác như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiêu dùng tăng cao, kích thích mua sắm… từ đó, kích thích nền kinh tế. Đó là mặt lợi của chính sách”, luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là động lực của phát triển kinh tế, nên nếu doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, chính sách tài khóa ngày càng vững mạnh. Vì vậy, các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
“Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, do đó, mong các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp có mạnh, thì kinh tế mới tăng trưởng và từ đó, góp phần tăng thu về cho ngân sách nhà nước”, Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định./.
Diệp Diệp/VOV.VN