Kiến nghị này đưa ra tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức chiều 11/5, tại TP.HCM.
Cần linh hoạt trong điều kiện cho vay
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực Đông Nam bộ hiện nay rất khó khăn, nhất là ngành hàng chế biến sản phẩm gỗ, dệt may, giày da... Một số ngành đang chịu giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, sản xuất không có lợi nhuận, chỉ cầm chừng để giữ lao động.
Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Những yêu cầu để được vay vốn từ gói này khó đáp ứng, nhất là yêu cầu xác định doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và báo cáo tài chính trong 2 năm gần đây phải có lợi nhuận.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vùng Tàu và TP.HCM đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, giãn thời gian trả nợ. Các đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách nguồn vốn vay lưu động ngắn hạn cho các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, ngân hàng cần nới lỏng, linh hoạt trong đánh giá các điều kiện cho doanh nghiệp vay. Có thể điều kiện vay dựa vào đơn hàng, lịch sử tín dụng, chứ không chỉ cứng nhắc dựa vào tài sản thế chấp.
“Đối với các khoản vay mới thì đề nghị ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp, một số doanh nghiệp đề nghị không siết lại. Chúng ta làm sao định giá các tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân trên tài sản. Một số trường hợp có lịch sử tín dụng tốt, đơn hàng, có hợp đồng rõ ràng thì có thể mở rộng cho vay tín chấp”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Các đại biểu cũng đề nghị các ngân hàng thương mại rà soát lại chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thực tế lãi suất cho vay hiện nay dù đã hạ nhưng vẫn cao, ở mức 10%/năm.
“Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành 0,5% điểm trong tháng 5 này để kéo giảm lãi suất cho vay vì tình hình lạm phát cũng đã được kéo giảm. Chứ với lãi suất cho vay như hiện nay khoảng 10%/năm thì không thể nào doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất, khấu hao máy móc. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là ngân hàng tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị.
Trước những kiến nghị của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành Đông Nam bộ và doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đơn vị này cũng đã giao cho các chi nhánh ngân hàng nhà nước tại các tỉnh thành phối hợp vời các sở ngành của địa phương làm rõ doanh nghiệp nào vay vốn không được, lý do tại sao.
“Giảm được thì chúng tôi sẽ giảm lãi suất điều hành. Đối với các tổ chức tín dụng thì Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Có nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng này ngân hàng kia, nếu vay ở ngân hàng tài chính tốt thì giảm lãi suất nhiều, còn vay ở ngân hàng tình hình tài chính không tốt lắm thì giảm lãi suất ít”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Trong tình hình khó khăn này, doanh nghiệp cần vốn nhưng điều kiện kiện tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, lãi suất cho vay dù đã hạ nhưng vẫn cao, khó sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đó là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì sản xuất để tìm cơ hội mới./.
Lệ Hằng/VOV-TPHCM