Ngư trường cạn kiệt, giá nguyên liệu tăng… không còn là nỗi lo chính của chủ tàu đánh bắt xa bờ; Thay vào đó, lo lắng nhất hiện nay của nhiều chủ tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu là tìm không ra lao động (bạn thuyền, bạn ghe) đi biển. Thu nhập thấp, công việc vất và nhiều rủi ro đã khiến nhiều lao động nghề cá bỏ tàu lên bờ kiếm việc khác.
Khó chồng khó
- "Do thông qua môi giới nên bạn thuyền ở đây đội giá cao lắm, bây giờ bạn bỏ lên bờ làm công nhân hết. Tất cả các thứ đều tăng giá, mỗi lần xuất bến phải ứng cho mượn 30 triệu đồng/người, mà mỗi chuyến biển ứng cho 14 - 15 bạn thuyền, phải có hơn 1 tỷ mới xuất bến được".
- "Chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi để tìm bạn đi biển, nhiều khi đậu bờ nhiều ngày chờ kiếm đủ người mới đi được. Chưa chắc ứng tiền xong bạn sẽ đi, vì tàu chạy ra khỏi cửa biển bạn thuyền nhảy xuống biển bơi bào bờ chúng tôi cũng chịu. Nghề biển giờ khó khăn trong việc kiếm lao động đi biển".
- "Nghề biển giờ rất khó khăn, vì lương ít bạn thuyền giờ không đủ sống nên họ nghỉ, bắt buộc mình phải nằm bờ. Mỗi ngày trả 200.000 đồng/bạn thì không đủ chi phí cho gia đình, con cái học hành. Khó khăn quá trong tương lai chúng tôi phải nằm bờ".
Đó là chia sẻ của các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Trước mỗi chuyển biển mới, chủ tàu phải chạy vạy khắp nơi để kiếm đủ bạn thuyền. Nhiều chủ tàu cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, do không tìm được lao động đi biển nên một số chủ cho tàu nằm bờ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động đi biển là thu nhập của người đi biển ngày càng giảm, công việc lại nặng nhọc, nhiều rủi ro, chủ yếu làm đêm khuya. Người lao động dần bỏ biển lên bờ đi làm phụ hồ, công nhân...vừa thu nhập ổn định vừa gần gia đình.
Anh Lê Văn Tám, một lao động đi biển ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền chia sẻ, mỗi ngày lao động trên biển được trả từ 150.000 - 200.000 đồng, trong khi phụ hồ thì kiếm được 300.000 - 400.000 đồng.
"Tàu đi đánh cá không có thì bạn ghe cũng không đủ sống nên kiếm nghề khác làm. Vì chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm cao quá nên mỗi chuyến biển bạn ghe chỉ được trả 2-3 triệu đồng. Là ngư phủ, chúng tôi mong muốn làm sao cho chi phí xăng dầu thấp xuống để anh em lao động kiếm sống, chứ chi phí cao quá thì không đủ sống" - anh Tám chia sẻ.
Bài toán nan giải
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tổng số tàu cá của tỉnh đã giảm 20%, từ 5.812 chiếc với khoảng 33.000 lao động vào năm 2020 xuống còn 4.671 chiếc và số lượng lao động tương ứng cũng giảm theo.
Thêm vào đó, đi biển vốn là nghề truyền thống, có tính chất cha truyền con nối. Những năm gần đây, con em ngư dân được đầu tư học hành nhiều ngành nghề khác nên rất ít theo nghề biển. Thống kê chỉ còn khoảng 10% lao động nghề biển là người địa phương, còn lại đến từ các tỉnh khác nên lại càng bấp bênh. Lao động nghề biển trở thành lao động thời vụ, ngư phủ không gắn bó lâu dài với chủ tàu mà dễ dàng chuyển việc hoặc chuyền từ tàu này sang tàu khác.
Theo ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, thông thường sau chuyến biển, chủ tàu trừ tất cả chi phí, số tiền còn lại sẽ chia cho bạn thuyền theo tỉ lệ thỏa thuận. Nhưng gần đây, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn hải sản hạn chế nên bạn thuyền chuyển sang yêu cầu trả công theo tháng hoặc theo chuyến và thu nhập cũng không cao.
Ông Hồng cho biết thêm: "Nhìn chung hiện nay chủ tàu cá xa bờ phụ thuộc rất nhiều vào thuyền viên. Bà con ngư dân chắc chắn chưa mạnh dạn đi biển vì giá cả cao mà ngư trường cạn kiệt. Năm nào cũng thiếu thuyền viên, mặc dù bà con chuẩn bị đầy đủ nước đá, nhu yếu phẩm nhưng chưa ra khơi vì thuyền viên chưa đầy đủ".
Theo nhiều chuyên gia, về lâu dài, các địa phương cần tính đến việc quy hoạch vùng đánh bắt, hỗ trợ ngư dân phát triển công nghệ đánh bắt chuyên nghiệp, hiện đại. Làm được như vậy ngư dân sẽ chọn đúng chủng loại hải sản đánh bắt, bảo vệ được nguồn lợi hải sản. Ngành chức năng cũng cần có kế hoạch ổn định giá cả và nguồn thu mua, góp phần tăng thu nhập cho lao động nghề biển./.
Theo VOV.VN