Từng bước tiến xa ra biển, nuôi biển xa bờ là hướng đi tất yếu để hình thành ngành công nghiệp nuôi biển.
Hơn 20 năm nay với lợi thế nhiều đầm, vịnh kín nên các tỉnh ven biển từ Bình Định - Ninh Thuận phát triển nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè gỗ trên biển theo kiểu truyền thống. Do phát triển tự phát, thiếu kiểm soát dẫn đến các vùng nuôi bị ô nhiễm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và môi trường biển. Tại vịnh Vân Phong, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, thay vì sát các khu dân cư, ngư dân đã chủ động di dời ra xa bờ, các vùng nước vắng để đảm bảo môi trường, chi phí vận hành dù có tăng nhưng an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Nguyễn Quốc Bảo, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, bè thả nuôi ở gần đảo, xa khu dân cư nên nước trong và sạch hơn. Cùng đó là dòng chảy của biển ra vào rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. “Khu vực này ít người dân và cũng ít có tàu thuyền qua lại nên hiệu quả của việc thả nuôi sẽ tốt hơn gần bờ 1,5 lần. Nhiều người nuôi đang tiến dần xa bờ khi khu vực biển gần bờ nước đục, ô nhiễm môi trường nếu dân cư tiếp tục xả rác và cả chất thải sinh hoạt”, ông Bảo cho biết.
Hiện nay, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, DN ở nước ta đã chủ động sản xuất con giống thương phẩm, thức ăn và công nghệ nuôi một số loài hải sản như cá chim, cá bớp, cá hồng, cá chẽm… Một số DN đã mạnh dạn đầu tư nuôi biển theo công nghiệp hiện đại tại vịnh Vân Phong với quy mô cả chục ngàn tấn cá mỗi năm. Đây là những cơ sở tạo tiền đề để Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai các mô hình khuyến nông nhằm góp phần thay đổi phương thức nuôi, trồng trên của ngư dân.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngư dân còn gặp khó khăn để tiếp cận, chuyển đổi từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi biển theo hướng hiện đại. Trung tâm đã thực hiện các mô hình lồng nuôi bằng nhựa HDPE quy mô nhỏ, đầu tư vừa phải, sử dụng 2 - 3 lao động, không cần máy cẩu vận hành để phù hợp quy mô nông hộ. Ông Khánh cũng cho biết, sau 4 năm từ mô hình 1 - 2 lồng nuôi ban đầu, đến nay đã có hơn 10 hộ dân nuôi bằng nhựa HDPE, giúp cho ngư dân tự tin dịch chuyển vùng nuôi xa bờ hơn.
“Quy trình và kỹ thuật nuôi cùng các biện pháp khuyến nông đã được trung tâm đào tạo cho người dân nắm vững. Tuy nhiên việc chuyển đổi vẫn còn chậm do người dân vẫn đang sử dụng lồng gỗ sẵn có, nếu chuyển sang lồng HDPE sẽ phải bỏ vốn lớn, nhưng lâu dài vẫn rẻ hơn lồng gỗ nếu làm mới. Do vậy cần có sự hỗ trợ về vốn vay, giãn nợ mới giúp người dân đầu tư mới lồng HDPE”, ông Khánh lý giải.
Nghị Quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.500 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn. Trong đó, nuôi biển xa bờ phạm vi ngoài 3 hải lý đạt 18.000 tấn.
Tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các DN đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, trước mắt tỉnh Khánh Hòa cần liên kết các DN để hình thành chuỗi sản xuất. Lâu dài phát huy lợi thế của các đảo vòng san hô tại huyện đảo Trường Sa để tổ chức nuôi, trồng các loài thủy sản có giá trị cao.
“Không chỉ giao vùng biển cho DN, trước hết cần phải có cái nhìn tổng quát để thấy những mắt xích cần thiết và quan trọng nhất, cần phát triển sớm để tạo dựng nên ngành hàng này. Khánh Hòa có thuận lợi rất lớn và nhiều mô hình nuôi biển thành công nên nhân rộng. Ngoài những lồng nổi HDPE, sản xuất thêm loại lồng chìm hay trên các tàu lớn sẽ hoàn toàn có thể kiểm soát được môi trường”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá tiềm năng rất lớn của nuôi biển, khi có tới 500.000 km2 có thể đưa vào nuôi biển. Hiện nay, diện tích nuôi biển ước đạt 80.000 ha mặt nước, sản lượng trên 750.000 tấn, nên ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Trong đó, hướng tới hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... để có thể phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, cần thực hiện đồng bộ những cơ chế, chính sách về tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và sơ chế chế biến.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần kêu gọi các DN lớn đầu tư vào nuôi biển tạo ra một hệ sinh thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ đảm bảo bền vững, giảm dần khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Nên gắn nuôi biển với du lịch để du khách có thể ngắm biển, xem quy trình nuôi, công nghệ nuôi… Tạo môi trường thuận lợi cho các DN đầu tư vào nuôi biển mang tính hệ thống và công nghệ cao, mới khai thác mặt nước biển có hiệu quả. Muốn vậy phải huy động đội ngũ lao động trên biển có trình độ cao, hướng đến sản lượng nuôi biển đạt mục tiêu của năm 2030 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến định hướng./.
Thái Bình/VOV-Miền Trung