Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, bất kỳ thay đổi nào về cung - cầu của Việt Nam cũng có thể tác động đến giá hàng hóa niêm yết trên các Sở Giao dịch thế giới.
Kể từ khi được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Khối lượng giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) trong năm 2022 tăng 36% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng giao dịch vẫn duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm 2023.
Khẳng định được ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo quốc tế: “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023”, do MXV và Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) phối hợp tổ chức ngày 17/5, tại Hà Nội. Sự kiện được đánh giá có quy mô lớn nhất tại thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam từ trước tới nay.
Ông Đông cho biết, hiện nay MXV đã liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất trên thế giới như Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE), Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia (BMD).
“Với thành công bước đầu của thị trường giao dịch hàng hóa, rõ ràng đã thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới đều đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, mong muốn hợp tác với chúng ta để phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất trong khu vực”, ông Đông bày tỏ lạc quan.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu thế giới của CME Group đều đưa ra dự báo giá hàng hóa nguyên liệu thế giới sẽ tiếp tục biến động mạnh, khó lường trong phần còn lại của năm 2023. Thực tế kể từ đầu năm, giá dầu thế giới đã liên tục có diễn biến thất thường. Cụ thể, sau khi đạt mức đỉnh 83,38 USD/thùng vào ngày 12/4, giá dầu WTI đã liên tục suy yếu, và tạo mức đáy mới ở 63,57 USD/thùng vào ngày 4/5 vừa qua, tương đương mức giảm 23% trong vòng 1 tháng.
“Bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến số, chủ yếu đến từ triển vọng kinh tế của Mỹ và tốc độ hồi phục của Trung Quốc. Các số liệu kinh tế gần đây đều gây thất vọng đối với thị trường, nhưng vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan về sự khởi sắc của nền kinh tế trong trung và dài hạn”, ông Erik Norland - Giám đốc điều hành và Chuyên gia kinh tế cấp cao, CME Group đưa ra nhận định.
Theo ông Nicolas Dupuis, Giám đốc điều hành về sản phẩm năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số MXV-Index thể hiện sự biến động của 31 mặt hàng đang giao dịch tại Việt Nam đã giảm hơn 10% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản và năng lượng là các mặt hàng giảm giá mạnh nhất, lần lượt giảm 13% và 17%.
“Cũng giống như giá dầu, các mặt hàng khác trong nhóm năng lượng như khí tự nhiên, khí hóa lỏng và xăng pha chế dự báo sẽ biến động mạnh trong năm nay. Thị trường sẽ chỉ ổn định trở lại khi kinh tế vĩ mô ổn định”, chuyên gia Nicolas Dupuis dự báo.
Ở thời điểm hiện tại, giá hàng hóa nguyên liệu đang biến động theo chiều hướng có lợi cho các DN Việt Nam. Giá các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như cà phê, cao su, hồ tiêu đều tăng rất tốt. Giá cà phê Robusta trên sở ICE đã tăng hơn 35% lên gần 2.500 USD/tấn. Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam hiện cũng đã vượt mức 56.000 đồng/kg. Giá tiêu cũng đã vượt 76.000 đồng/kg tại nhiều địa phương phía Nam.
Trong khi đó, áp lực cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được giảm bớt, khi giá nông sản nguyên liệu trên Sở Chicago liên tục giảm trong thời gian vừa qua. Giá ngô nhập khẩu về cảng Cái Lân và Cái Mép hiện đã giảm dưới 280 USD/tấn, so với mức giá lên tới hơn 330 USD/tấn hồi đầu năm. Giá nguyên liệu giảm đã tạo tiền đề cho các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục hạ giá cám thành phẩm từ 300 - 800 đồng/kg (tùy loại), giúp hoạt động sản xuất chăn nuôi thuận lợi hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 2,81 triệu tấn ngô trong 4 tháng đầu năm, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu lúa mì và đậu tương trong cùng kỳ cũng lần lượt tăng 6,7% và 1,6% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, đây đang là giai đoạn thuận lợi nhất cho giá xuất nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn trên thế giới. Trong nửa cuối năm 2023, thị trường có thể sẽ xuất hiện các điểm đảo chiều xu hướng, các DN cần phải có các giải pháp, chiến lược trước bối cảnh này.
Một số giải pháp được nêu ra trong hội thảo như sử dụng các công cụ bảo hiểm giá; sử dụng các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn trong giao dịch; đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
“Sẽ là lợi thế rất lớn nếu các DN trong nước tận dụng giai đoạn giá tốt hiện nay, kết hợp với việc áp dụng các biện pháp bảo hiểm giá. Khi đã chốt được giá xuất khẩu và nhập khẩu ở các vùng giá tốt, hoạt động sản xuất trong chuỗi sẽ chủ động và hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết.
Tại hội thảo, các chuyên gia của CME Group liên tục khẳng định vai trò của Việt Nam đối với thị trường hàng hóa thế giới. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất, xuất khẩu cao su lớn thứ 3, nhập khẩu ngô lớn thứ 6 và nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 toàn cầu. Bất kỳ thay đổi nào về cung cầu của Việt Nam cũng có thể tác động đến giá hàng hóa niêm yết trên các Sở Giao dịch thế giới./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN