Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Khó của DN không chỉ là lãi suất ngân hàng

Cái khó của DN không chỉ ở vấn đề lãi suất ngân hàng, mà còn là những khó khăn khác các DN đã trải qua 3 năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay.

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo 2 Quyết định về lãi suất. Điều chỉnh cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với TCTD; Quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD. Sau 2 quyết định của NHNN về hạ lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 23/5/2023, nhiều nhà băng trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. 

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về tác động của việc giảm lãi suất điều hành đối với hoạt động của DN, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, việc NHNN có quyết định hạ lãi suất và dự báo còn tiếp tục hạ, nhưng chuẩn tín dụng sẽ không được hạ vì phải đảm bảo an toàn hoạt động tài chính ngân hàng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đề xuất nhà nước phải cấp vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.Theo phân tích của đại biểu, thực tế kinh tế trong nước đang phục hồi và với chính sách tài khoá ngân hàng phải hạ lãi suất, khi DN không có nhu cầu vay ngân hàng vẫn phải huy động và huy động vốn là huy động “hòn than đang cháy” vì phải trả lãi. Ngân hàng khi cho vay nếu không cẩn thận sẽ mất vốn, nên phải hạ lãi suất nhưng không được hạ chuẩn tín dụng. Trong bối cảnh DN muốn phục hồi cần vốn và cần điều kiện vay, nhưng nếu điều kiện vay không đảm bảo, nhà nước phải cấp vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Nhận định từ Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho thấy, cái khó của DN không chỉ ở vấn đề lãi suất ngân hàng, chính là những khó khăn khác các DN đã trải qua 3 năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm, xuất khẩu giảm đã và đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, rất cần phải quan tâm đến kiểm soát độ mở của nền kinh tế, vì quốc gia có độ mở lớn sẽ dễ bị “rung lắc” bởi tác động bên ngoài.

“Nếu có những tác động thuận lợi thì nền kinh tế sẽ gặp thuận lợi. Nhưng trong bối cảnh những năm qua, tác động bên ngoài luôn xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, dẫn đến tình hình DN trong nước vẫn gặp khó kể cả tác động bên ngoài và bên trong. Với bối cảnh bất lợi như vậy, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định như hiện nay là thắng lợi, là nền tảng thúc đẩy cho tăng trưởng trong tương lai”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.

Đánh giá về tình hình KTXH những tháng đầu năm, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, trong Quý I/2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,32% là con số chấp nhận được vì bối cảnh thế giới tác động xấu. Tuy nhiên, Việt Nam vừa phải có giải pháp ngắn hạn để chặn đà suy giảm, bởi nếu kinh tế việt Nam tăng trưởng dưới 4% sẽ dẫn đến thất nghiệp gia tăng. Muốn vậy phải có giải pháp ngắn hạn và lâu dài, ngắn hạn là phải nới lỏng đến mức có thể chấp nhận được về chính sách tài khoá, chính sách tài khoá phải là chính sách đi đầu để có cơ sở, cơ hội và dư địa về sau.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, tổng nợ công của Việt Nam đã giảm từ 43% còn 38% là giảm cả số tuyệt đối và tương đối. Với dư địa này, chính sách tài khoá mở rộng sẽ hỗ trợ DN trong việc giảm sâu hơn tiền thuế, phí, tiền thuê đất… để hỗ trợ DN. Cùng với đó, đầu ra của thị trường nội địa cần phải được chú ý vì những quốc gia có dân số đông, người ta thường chú ý thị trường nội địa trước khi hướng ra ngoài, như Mỹ, Nhật Bản… độ mở thị trường sẽ là 40%, còn ở Việt Nam độ mở thường trên 180% nên phải chú ý thị trường trong nước.

Cần quan tâm thúc đẩy thị trường trong nước

Tuy nhiên, lúc này thị trường trong nước đang gặp khó khăn khi sức cầu của người dân đang suy giảm sau 2 năm Covid và 1 năm xung đột Nga – Ukraine khiến thu nhập giảm. Nên ngoài việc từ ngày 1/7 tăng lương, Nhà nước cần có gói an sinh xã hội nhiều hơn, tiếp sức cho dân trước hết hỗ trợ cho nhóm yếu thế, gia đình chính sách hộ nghèo, người thân bị mất việc, mất đơn hàng vì Covid.

Khi người dân được tiếp xúc tổng cầu mới tăng, giảm điểm nghẽn xuất khẩu không được cần tăng tiêu thụ nội địa. Khi giải quyết căn cơ bài toán dài hạn, chú ý thị trường trong nước và độ mở kiểm soát được sẽ giảm tác động bên ngoài đối với kinh tế trong nước.

Đánh giá quá trình thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để tạo thuận lợi nên giảm hết thuế VAT cho đại trà, thậm chí giảm sâu hơn vì hiện nay chỉ có chính sách tài khoá mở rộng mới giúp nền kinh tế thoát khỏi đà suy giảm. Việt Nam có dư địa làm điều đó vì những năm qua đã thu thuế của DN, cá nhân dẫn đến tổng thu ngân sách tăng nhanh, giảm bội chi nên thời điểm này nên nới lỏng chính sách tài khoá để an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm là bài toán ưu tiên nhất hiện nay, chính sách cần được áp dụng cho tất cả và kéo dài càng lâu càng tốt./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận