Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Nam Định nỗ lực tháo 'nút thắt' về tần số vô tuyến điện

Góp phần cùng với nỗ lực chung của cả nước cho mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2023, sau khi ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với tàu cá, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ bà con hoàn thiện thủ tục cấp phép và sử dụng tần số vô tuyến điện đúng quy định pháp luật.

 

Phải kết nối thiết bị giám sát hành trình

Đoàn Thanh tra Uỷ ban châu Âu (EC) đã hoãn và chuyển lịch kiểm tra gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sang tháng 10/2023 thay vì vào cuối tháng 5 như trước đó. Thời gian không còn gấp gáp nhưng các địa phương trong cả nước vẫn ráo riết thực hiện nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập tại Quyết định số 81/QĐ-TTg nhằm chuẩn bị cho chương trình làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, đó là chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Theo đó, tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên phải nghiêm túc thực hiện quy định lắp thiết bị VMS và đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện (TSVTĐ) cho thiết bị. Có 2 loại thiết bị cần phải có giấy phép sử dụng TSVTĐ và hoạt động đúng giấy phép đã cấp đó là: các thiết bị thông tin liên lạc sóng ngắn (bộ đàm) và thiết bị giám sát hành trình.

                      Chủ tàu cá tại Hải Hậu giới thiệu thiết bị giám sát hành trình.

Cùng với cả nước, tính đến ngày 24/4/2023, Nam Định đã triển khai lắp đặt thiết bị VMS trên 507 tàu cá/tổng số 522 tàu có chiều dài 15m trở lên, đạt 97,13%. Đồng thời, Nam Định tích cực triển khai việc cấp phép sử dụng tần số cho các thiết bị trên, đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi. Ngoài việc để cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngăn chặn và chấm dứt lỗi khai thác bất hợp pháp, thiết bị còn giúp công tác phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn cho ngư dân nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn và tránh những sự cố đáng tiếc trên biển. Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng không phải ngư dân nào cũng hiểu và chấp hành.

Thông tin từ Tổ lưu động, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nam Định - đơn vị chịu trách nhiệm kết nối, hướng dẫn và tổ chức cấp phép trực tiếp cho bà con ngư dân, chủ tàu tại các xã ven biển cho biết: “Chưa kịp triển khai bà con đã phản ứng. Có ngư dân còn cho rằng họ không biết gỡ thẻ vàng gì đó, chưa nắm được hiệu quả là cái gì. Cũng chưa thấy hiệu quả gì từ thiết bị định vị này cho ngư dân, mà chỉ thấy tốn dầu để nạp điện duy trì hoạt động…” 

Lý giải nguyên do ngư dân ban đầu không đồng thuận, bà Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm TSVTĐ khu vực 5, Bộ TT&TT chia sẻ: “Có hai lý do dẫn đến phản ứng, đó là một số ngư dân vẫn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc đăng ký sử dụng tần số. Lợi ích gián tiếp không nhìn thấy, còn lợi ích trước mắt không đáp ứng nên họ coi đó là sức ép buộc phải làm. Số khác, cố ý làm trái quy định vì sợ khai báo tần số sẽ lộ ngư trường khai thác của mình”.

Tuyên truyền là yếu tố quyết định

Tháo gỡ vướng mắc, Sở TT&TT Nam Định đã ban hành hàng loạt văn bản đề nghị UBND các huyện ven biển tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về quy định, quy trình, thủ tục cấp phép và hiệu quả của việc sử dụng đúng giấy phép TSVTĐ trên các phương tiện nghề cá. 

Cùng với đó, Sở đã chủ trì, thành lập đoàn hỗ trợ gồm Trung tâm TSVTĐ khu vực 5 và một số nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho thiết bị VMS về trực tiếp tại 3 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu phổ biến và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ cho ngư dân. Một số nhà mạng không đến trực tiếp được, Sở đã yêu cầu nhà mạng gửi hợp đồng về cho Sở và Sở chuyển tận tay cho chủ tàu.

Cán bộ BQL cảng cá Nam Định đang kiểm tra vị trí hoạt động của tàu cá.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 392/484 tàu đã có giấy phép hoặc đã làm xong thủ tục xin cấp phép, đạt tỷ lệ 81%. Với các tàu cá còn lại chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép lần này, Đoàn đã tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn chủ tàu tự hoàn thiện và gửi hồ sơ đến Trung tâm TSVTĐ khu vực 5 để được cấp phép trong thời gian tới.

Chị Ngô Thị Thủy, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu cho biết: “Con tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi dài hơn 20m đã lắp đặt thiết bị VMS hơn 2 năm nay. Tổng kinh phí lắp đặt khoảng 25 triệu đồng, trong đó cơ quan chức năng hỗ trợ 10 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của Sở TT&TT tỉnh Nam Định, gia đình chị đã đăng ký và được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định. Thiết bị mang lại nhiều lợi ích, giúp tàu xác định được vị trí đang đánh bắt, tránh khai thác vượt biên, chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai và được hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố trên biển. Bên cạnh đó, thiết bị trở thành kênh thông tin liên lạc hữu ích giữa các thành viên trên tàu với người trong đất liền”.

Ngư dân đến làm thủ tục cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện.Trực tiếp tham gia đoàn hỗ trợ tại xã Giao Hải, huyện Giao Thuỷ vào giữa tháng 5, chúng tôi thấy trong thời tiết nắng nóng nhưng ngư dân rủ nhau cùng đến trụ sở UBND làm thủ tục rất đông vui. Hỏi ra mới biết, có được kết quả đó là do anh Phùng Hữu Thảo, Phó phòng Văn hoá và Thông tin huyện Giao Thuỷ, đã rất nhiệt tình, sâu sát, đồng hành cùng ngư dân.

Anh Thảo cho biết, trên cơ sở danh sách tàu chưa được cấp giấy phép sử dụng tần số do Sở TT&TT cung cấp, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các ông, bà xóm trưởng, trưởng đoàn, phó đoàn tàu đánh cá đến nhà các chủ tàu để thông báo và đôn đốc thực hiện. Đặc biệt, nắm bắt được đặc trưng công việc, các chủ tàu thường xuyên vắng nhà, chủ yếu là lênh đênh trên biển nên thông tin phát trên hệ thống truyền thanh khó đến được với họ. Đôi khi họ nghỉ ngơi vài ngày ở nhà cũng không chú ý nghe được, Phòng Văn hóa và Thông tin đã chỉ đạo cán bộ, công chức của phòng điện thoại liên hệ với từng chủ tàu. Ngoài nội dung thông báo về thời gian, địa điểm, hồ sơ cấp phép, các cán bộ còn tranh thủ chia sẻ với bà con về sự cần thiết và ý nghĩa của việc đăng ký cấp phép và sử dụng TSVTĐ theo đúng quy định pháp luật”.

Nhờ sự tích cực tuyên truyền vận động, tính tổng 2 đợt hỗ trợ cấp phép trực tiếp năm 2022 và 2023, huyện Giao Thủy có 148/160 tàu đã được hỗ trợ làm thủ tục xin cấp giấy phép, đạt tỷ lệ 92,5%, cao nhất tỉnh. Người dân đã nhận thức được ý nghĩa của việc đăng ký TSVTĐ vừa phục vụ lợi lích cá nhân vừa góp phần bảo vệ tài nguyên quốc gia, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

“Cần phải quán triệt và khẳng định tần số vô tuyến điện là tài sản công quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, có ý nghĩa kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số -xã hội số”.

                                                                                                                                                                                          Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Thanh tra của EC đã khẳng định nhiều lần, nếu không quản lý được đội tàu, vẫn còn tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, Việt Nam sẽ không thể gỡ được thẻ vàng IUU. Thế nên đây là vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết”.

                                                                                                                                                                               Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

“Khi các chủ tàu có mã định danh điện tử, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 5 sẽ hỗ trợ chủ tàu nộp hồ sơ điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện”.

                                                                                                                                               Bà Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm TSVTĐ khu vực 5, Bộ TT&TT

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận