Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nhất

Số DN kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022.

 

Số DN kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với 2021) và tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022 trong 5 tháng đầu năm 2023.

Phản ánh về hoạt động DN từ nhiều ĐBQH cho thấy, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất. Các đại biểu có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT rà soát, đánh giá số DN rút lui khỏi thị trường, phân theo loại hình, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Phản hồi đề nghị này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022, cả nước có 143.198 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có một số ngành có số lượng DN rút lui tăng cao như kinh doanh bất động sản (tăng 42,4%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 35,4%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 31,6%); Giáo dục và đào tạo (tăng 31,2%); Thông tin và truyền thông (tăng 28,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 23,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 19,9%); Xây dựng (tăng 18,8%),…

“DN rút lui khỏi thị trường đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 101.732 DN, chiếm 71% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,6% so với năm 2021. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 38.924 DN rút lui khỏi thị trường, chiếm 27,2% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tăng 20,1% so với năm 2021”, phản hồi của Bộ trưởng KH&ĐT nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra các giải pháp để kịp thời hỗ trợ DN.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có 88.040 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng 47,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%); Vận tải kho bãi (tăng 28,6%); Xây dựng (tăng 25,5%),…

“Số liệu về tình hình đăng ký DN cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số DN kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022)”, Bộ trưởng nhận định.

Trước thực trạng DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng nhanh hơn so với số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành đang thực hiện quyết liệt các giải pháp một cách đồng bộ về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm thị trường, đơn hàng,… để kịp thời hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn này bằng 4 giải pháp.

Giải pháp đầu tiên là hỗ trợ DN, đặc biệt là DNVVN phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng để DN có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển; đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa hỗ trợ DN như giảm thuế, phí, gia hạn chính sách cho vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà để giúp DN giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh và giữ được người lao động.

Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp phải thuận lợi hơn; giải quyết các quy định pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực.

Trong 5 tháng đầu năm 2023 số lượng DN kinh doanh bất động sản tăng 47,1% so với cùng kỳ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa là giải pháp thứ ba với việc đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường.

“Ở giải pháp này sẽ tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của những DN FDI và DN lớn toàn cầu; tăng cường hỗ trợ DN, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn, quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển”, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết.

Trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn và khó dự báo, ngoài sự hỗ trợ từ phía các quan quản lý nhà nước, DN cần phải chủ động có kế hoạch ứng phó với những tình huống bất ngờ hoặc các cuộc khủng hoảng chưa dự báo trước. Đây chính là giải pháp thứ tư được Bộ trưởng đưa ra và trong ngắn hạn, các DN cần cân đối dòng tiền, thay đổi quy mô sản xuất, hình thức và phương thức kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, mở rộng tìm kiếm thị trường, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Ngoài nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, cáccần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng... hướng tới nâng cao năng lực quản trị rủi ro để thích ứng tốt hơn với biến động của môi trường đầu tư kinh doanh trong dài hạn./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận