Liên tiếp giảm lãi suất điều hành: Cần đơn giản thủ tục hành chính

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn phải chặt chẽ, tránh việc lợi dụng kẽ hở, trục lợi làm thất thoát nguồn vốn.

 

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, chỉ trong thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2 điểm %. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành rất kịp thời, gỡ rối cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Hà Nội cho rằng: “Định hướng tín dụng này làm sao cho hiệu quả, hướng được vào các doanh nghiệp khó khăn tạm thời nhưng lĩnh vực có tiềm năng phát triển, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ của chính doanh nghiệp và nền kinh tế. Nó có 2 chuyện, một là phải đảm bảo sự công khai minh bạch, thứ hai là đảm bảo đơn giản tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nguồn tín dụng. Bởi chúng ta đều biết, trong bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay, đôi khi nhanh một ngày có thể giúp cho doanh nghiệp nhanh hồi phục và phát triển trở lại, chậm một ngày thì có thể đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn”

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành rất kịp thời, gỡ rối cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên.Nhiều đại biểu cũng đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn phải chặt chẽ, tránh việc lợi dụng kẽ hở, trục lợi làm thất thoát nguồn vốn. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Thừa Thiên Huế nêu ý kiến: “Cần có sự thống nhất và đẩy nhanh hơn nữa trong việc thẩm định, đặc biệt là thẩm định các tài sản của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu một cách khách quan, toàn diện, tránh tình trạng việc thẩm định mang tính chủ quan hoặc là lợi ích nhóm. Vẫn còn có những phản ánh các tổ chức tín dụng khi cho các doanh nghiệp vay cũng như cá nhân vay gắn với việc phải mua bảo hiểm, việc này phải có hạn chế, chấn chỉnh. Phối kết hợp trong quá trình đốc thúc, quản lý các nguồn vay để trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng nợ xấu".

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương thì cho rằng: “Các thủ tục hành chính của chúng ta hiện nay còn chiếm khá nhiều thời gian, gây vướng mắc cho doanh nghiệp rất nhiều. Nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thì một tháng trả tiền lãi ngân hàng đã là rất nhiều tiền mà chúng ta chậm đến hàng năm thì doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều, không ngân sách nào hỗ trợ được. Cho nên, tốt nhất nên rà soát kỹ thủ tục hành chính, điều kiện thông thoáng và việc trước mắt là sớm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung vào để chúng ta có thể khai thác được thì sẽ bớt được rất nhiều thủ tục hành chính”./.

Kim Thanh/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận