Sửa Luật Viễn thông phải tạo cho được thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng

Quy định nghĩa vụ của các DN, nhóm DN viễn thông nhằm tạo lập một thị trường dịch vụ viễn thông có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

 

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) qua phiên thảo luận tại tổ trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về cơ bản đã nhận được các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng. Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số; quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới; khắc phục những vướng mắc, bất cập. Sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển dịch vụ viễn thông, hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực KTXH, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số cũng như xã hội số.

Tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án luật này diễn ra sáng 22/6, các vị đại biểu tiếp tục quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến về các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật, nhằm sớm hoàn thiện dự án.

Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai.

Cho rằng việc quy định các nghĩa vụ của DN viễn thông, nhóm DN viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường là cần thiết, Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai lập luận, quy định này nhằm tạo lập một thị trường dịch vụ viễn thông có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Đại biểu Sùng A Lềnh cũng có thắc mắc, bởi qua nghiên cứu quy định của Luật Cạnh tranh cho thấy chỉ cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

“Quy định tại dự thảo luật Luật Viễn thông (sửa đổi) đang có sự không thống nhất với quy định của Luật Cạnh tranh. Hành vi này không trái với quy định của Luật Cạnh tranh và xét ở khía cạnh của người tiêu dùng có thể còn có lợi, vì người tiêu dùng sẽ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ với giá thấp. Do đó, việc cấm DN viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành nhưng không có mục đích nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh cần được làm rõ hơn về lý do sự cần thiết”, Đại biểu chỉ ra.

Cùng có ý kiến về quy định trong dự thảo luật không cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành, Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này, do không phải lúc nào việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá thấp hơn giá thành cũng là hợp pháp. Cụ thể, tại Điều 91 của Luật Thương mại quy định quyền khuyến mại của thương nhân, Luật Cạnh tranh cũng không cấm hành vi bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành, chỉ quy định việc cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến có khả năng loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định nêu trên tại dự thảo luật để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này, trong đó đánh giá tác động đối với chính sách dân tộc vì đây là hoạt động rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của dự án, đặc biệt là tính khả thi của các quy định phù hợp với Nghị quyết số 88 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 120 năm 2020 Quốc hội khóa XIV”, Đại biểu Tráng A Dương nêu rõ.

Nhận thấy việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông là chính sách đang được Nhà nước khuyến khích, nhằm tránh việc các đơn vị phải thi công rải rác, không đồng bộ ảnh hưởng đến không gian phát triển chung, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật dùng chung cần phải được rà soát, hoàn thiện về cơ chế, nguyên tắc và phương pháp xác định giá thuê.

Bởi trên thực tế từ các cử tri cho biết, có DN nắm giữ cơ sở hạ tầng viễn thông nhưng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khác tham gia sử dụng, hoặc quy định mức giá cao hơn nhiều lần so với đơn giá được khuyến khích áp dụng, dễ dẫn đến tình trạng độc quyền.

“Pháp luật hiện hành chỉ mới yêu cầu các DN thực hiện thông báo đăng ký giá thuê với Sở Tài chính, không thông qua thẩm định, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cần bổ sung nội dung này trong dự thảo luật, đồng thời quy định Chính phủ quản lý chặt chẽ hệ thống công trình viễn thông, quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông dùng chung nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của lĩnh vực này”, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Xuân cũng kiến nghị dự thảo luật cần quy định bắt buộc, phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đồng thời cần có chính sách phù hợp với nhiệm vụ chia sẻ hạ tầng viễn thông, nhất là với hạ tầng viễn thông do các tập đoàn, các DN đầu tư khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chia sẻ, cần có chính sách ưu đãi về tài chính, về thuế cho các DN.

“Cần có điều quy định cụ thể về hạ tầng viễn thông trong lĩnh vực cấp bách và cần thiết. Trong đó quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh trong xây dựng quản lý chia sẻ hạ tầng viễn thông phục vụ nhiệm vụ khẩn cấp quốc phòng, an ninh”, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận