Trồng cây giang phát triển kinh tế vườn rừng

  • 29/06/2023 17:28:11
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Thu hái lá cây giang rừng từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập giúp người dân miền núi phía Bắc xóa đói giảm nghèo. Nhưng mặt trái của việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cháy rừng, môi trường rừng bị xâm hại, mất an ninh trật tự địa phương… Từ thực tế đó, anh Hoàng Hưng (sinh năm 1988) ở Tiên Kiều, Bắc Quang, Hà Giang đã tìm tòi sản xuất ra cây giống đem về trồng thành công tại vườn nhà và nhân rộng mô hình này.

 

Bảo vệ nguồn lợi tự nhiên

Nghề chế xuất lá giang xuất khẩu sang Đài Loan có từ đầu những năm 1990 ở Đoan Hùng - Phú Thọ. Tại Hà Giang câu chuyện “hái lá cây ra tiền”, hay “lá tiền” khởi nguồn từ những năm 2001. Lá giang được các cơ sở chế biến thu mua với số lượng lớn, khiến sản phẩm này ngày càng khan hiếm và giá cả tăng cao. Từ lúc có giá vài nghìn đồng/kg hiện đã tăng lên 18.000 - 20.000 đồng/kg. Người hái nhanh một ngày có thể hái đến 60 đến 70kg, thu nhập lên tới 1 triệu đồng.

Hơn 20 năm nay không chỉ Hà Giang mà người dân ở các tỉnh lân cận đã coi cây giang là cây “xóa đói giảm nghèo”. Tuy vậy, nhắc đến cây giang rừng nhiều người chưa biết hoặc có thể nhầm lẫn với cây giang có lá chua thường được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn. Cây giang rừng ở đây là loại cây thuộc họ nhà tre. Thân cây thường được dùng làm lạt buộc hoặc bện thành dây thừng. Lá giang sấy khô xuất khẩu làm nguyên liệu chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, làm túi, hộp đựng đồ. Điểm đặc biệt của cây giang là càng hái các lá to già đi thì càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới, không ảnh hưởng đến điều kiện phát triển của cây cũng như hệ sinh thái rừng. Nhưng việc thu hái không được quản lý chặt chẽ đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều người khai thác không có ý thức chặt hạ cả cụm giang; dựng các lán trại quây bạt giữa rừng; tranh giành địa bàn khai thác; các chủ thu mua tranh giành khách của nhau... tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh địa phương.

Mô hình trồng giang của anh Hoàng Hưng đã góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Anh Hoàng Hưng ở Tiên Kiều, Bắc Quang, Hà Giang cho biết: “Ngoài những ảnh hưởng trên, một điều dễ dàng nhận thấy là nguồn lợi khai thác không song hành cùng bảo tồn sớm muộn cũng cạn kiệt. Các rừng giang ngày một già đi và cho sản phẩm không đạt chuẩn”.

Anh Hưng trăn trở, nương rẫy của bà con để hoang hóa nhiều, việc vào rừng khai thác rồi vận chuyển về tốn nhiều thời gian công sức, vất vả lại nguy hiểm, tại sao không tận dụng những khoảng đất trống đó để trồng loại cây này. Tìm hiểu anh biết cây giang là loại thực vật rất đặc biệt có hoa nhưng chỉ nở một lần vào cuối đời khi cây khoảng 50 đến 60 năm tuổi. Qua quan sát anh thấy các rừng giang già cho hoa và ra quả. Tận dụng cơ hội này đầu những năm 2020 anh Hưng đã đem hạt ngâm cho nảy mầm và trồng thử nghiệm. Không ngờ từ những hạt đó cây phát triển và sinh trưởng tốt.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây được trồng sau 17 tháng, anh Hưng hồ hởi khoe đến nay vườn đã cho 5 lần thu hoạch. Cứ hai tháng cho thu hoạch một lượt. Mỗi cây cho 15 - 20kg. 1 héc-ta có thể trồng từ 800 - 1,000 cây, doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng.

Xây dựng kênh Youtube quảng bá sản phẩm

Thành công từ việc đem cây rừng về vườn nhà trồng cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hưng nghĩ ngay đến việc nhân rộng mô hình này tạo sinh kế bền vững cho người dân. Anh vào rừng chọn quả của cây cho lá to, dài nhất vùng về tiến hành nhân giống và trồng vào bầu.

Vừa thoăn thoắt chọn những hạt giống đã nảy mầm gieo vào những bầu đất nhỏ anh vừa chia sẻ, cây giang có tiềm năng lớn. Những cánh rừng hàng nghìn ha nhưng vẫn không đủ phục vụ xuất khẩu. Tiềm năng là vậy nhưng người dân từ trước tới nay chỉ biết vào rừng tự nhiên để thu hái, đi rừng rất vất vả. Thêm vào đó, mấy năm trở lại đây cây già ra hoa và chết rất nhiều. Từ đó, anh quyết tâm đem hạt về làm giống. Rất mừng hạt gieo xuống sau hai tháng có thể đem trồng và cây trồng 7 tháng đã cho thu hoạch mà không cần phải chăm sóc nhiều. Và cây cho vào bầu có thể trồng quanh năm.

Mong muốn được nhiều người biết đến sản phẩm của mình cũng như có kỹ thuật chăm sóc, mạnh dạn đầu tư trồng giống cây tiềm năng này, anh Hưng đã xây dựng kênh Youtube với tài khoản Hoàng Hưng TV. Theo anh, thời đại công nghệ 4.0 là thời đại của những nông dân thông minh nên anh tận dụng hiệu quả ấy. Anh cho biết: “Khách hàng từ khắp các tỉnh thành biết đến sản phẩm của tôi hầu hết thông qua kênh này. Ngoài ra, tôi còn sử dụng các công cụ khác của mạng xã hội để quảng bá. Tôi thấy rất hiệu quả”.

Mô hình của anh Hưng được xây dựng ngăn nắp, bài bản. Các luống trồng được vun thẳng tắp. Hệ thống nước tưới tiện dụng. Hiện mô hình của anh Hưng gối đầu nhau có khoảng 40 vạn cây nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho những người có nhu cầu. Giống cây anh bán với giá từ 8.000 - 20.000 đồng/cây. Mô hình giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Anh Hưng chia sẻ: “Tôi mong muốn bà con mạnh dạn lựa chọn những cây trồng có tiềm năng để phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo vệ rừng tự nhiên vừa đem lại cuộc sống ổn định”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận