Nuôi biển công nghiệp gắn bảo vệ môi trường, tích hợp phát triển đa ngành

  • 30/06/2023 11:02:08
  • Thanh Thắng
  • Kinh tế
  • 0

Để chuyển giao từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghiệp, ngoài việc giao mặt nước biển cho người dân cần chính sách tín dụng hợp lý đối với những cơ sở

 

Các tỉnh Nam Trung bộ đều có nhiều thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển. Tuy nhiên, các hộ nuôi biển hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đầu tư nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế bấp bênh và kéo theo nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, suy thoái cảnh quan.

Việc chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghiệp là hướng đi bền vững, xu hướng tất yếu. Để chuyển giao từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghiệp thì ngoài việc giao mặt nước biển cho người dân thì cần có chính sách tín dụng hợp lý đối với những cơ sở nuôi biển cũng là điều cần gải quyết.

Vùng biển hở được tỉnh Khánh Hòa thí điểm nuôi biển công nghệ cao.- Theo Phó GS.TS Võ Sĩ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học Công nghệ của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: “Nếu nuôi biển công nghiệp mà cứ ngồi kêu khó thì không bao giờ có được kết quả mà phải làm. Không làm lớn được thì làm thử nghiệm quy mô nhỏ trước, sau đó ta mở rộng”.

- Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đối với nuôi biển xa bờ, chúng ta sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển để các địa phương kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực hoặc tổ chức nông dân có tiềm lực đầu tư”.

- Ông Nguyễn Xuân Hòa, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôi làm lồng nhựa HDPE này nó sẽ đạt hơn cái lồng gỗ truyền thống, diện tích lồng lớn hơn, mình nuôi kỹ hơn, tốt hơn, khó nhất hiện giờ là chi phí”.

Từ các chuyên gia, nhà quản lý đến người nuôi biển đều có chung suy nghĩ phải chuyển chuyển đổi cách nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, đầu tư quy mô lớn.

Mô hình lồng vuông bằng nhựa HDPE an toàn hơn so với lồng gỗ truyền thống.Ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là hộ dân đầu tiên nuôi cá biển và tôm hùm ở khu vực đảo Ninh Tân, xã Vạn Thạnh Vịnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cách đây 4 năm, ông Hòa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn, hỗ trợ nuôi cá bằng lồng nhựa HDPE.

Đến nay, ông Hòa đã có 2 lồng tròn và 12 lồng vuông bằng nhựa HDPE để nuôi cá chim trắng vây vàng, cá mú. Các lồng nuôi của ông Nguyễn Xuân Hòa được kết nối camera giám sát, sóng wifi và sử dụng điện năng lượng mặt trời để hoạt động. Dù không có mặt tại các lồng nuôi nhưng ông cũng có thể giám sát trực tiếp các bè nuôi. Với mô hình nuôi lồng bè HDPE, mỗi năm ông Hòa thu hoạch hàng chục tấn cá, thu nhập đến vài tỷ đồng. Nhiều hộ dân trong vùng thấy ông Nguyễn Văn Hòa làm ăn hiệu quả đã tìm đến học hỏi và làm theo.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, chi phí đầu tư lồng nhựa HDPE cao hơn lồng gỗ nhưng bù lại thời gian sử dụng lâu hơn, an toàn và dễ vận hành nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Hòa chia sẻ: “Khi sử dụng lồng HDPE này có nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất bảo vệ được môi trường. Thứ 2 là chịu được thiên tai gió cấp độ 12 hoặc cấp 10 tùy theo chất lượng, mức độ mình đầu tư thôi. Thực tế chi phí này cao gấp 3 lần, loại gỗ chi phí khoảng 10 triệu đầu tư nuôi được, còn mỗi lồng HDPE phải từ 35 - 40 triệu đồng, rất là khó cho người nuôi trồng để đầu tư”.

Nuôi biển bằng lồng HDPE ở tỉnh Khánh Hòa.Nuôi biển bằng lồng HDPE được triển khai tại tỉnh Khánh Hòa nhiều năm nay với 4 loài nuôi là cá dò, cá bớp, cá chim và cá chẽm được nhiều người dân và doanh nghiệp tham gia. Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và dịch vụ Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa là đơn vị tiên phong trong việc nuôi biển theo mô hình hợp tác xã. Từ hiệu quả ban đầu, hiện nay nhiều thành viên hợp tác xã sẵn sàng liên kết để mở rộng đầu tư nuôi biển công nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa cho biết, các thành viên hợp tác xã rất mong muốn chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng HDPE có sự bền vững nhưng đến nay vẫn chưa được cấp vùng nuôi nên bà con chưa mạnh dạn chuyển đổi.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, trăn trở lớn nhất của hợp tác xã là được cấp vùng nuôi để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận VietGAP, OCOP, đưa sản phẩm đến với các nước. 

“Theo chính sách của Chính phủ, ưu tiên cho Vạn Ninh nuôi biển. Trong đó thì có nuôi biển phải bền vững. Muốn làm bền vững phải đầy đủ các vấn đề, pháp lý. Cái khó nhất bây giờ là cho hợp tác xã có vùng nuôi nhất định. Rồi từ đó thoáng về tài chính thì bà con mới mạnh dạng đầu tư. Chứ còn bây giờ nuôi tới mùa đông gió bão nổi lên thì người ta không biết đi về đâu, không có sự yên tâm” - ông Sang cho biết. 

Cuối tháng 5/2023, tỉnh Khánh Hòa đưa lồng nhựa HDPE đến khu vực biển hở ở xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh thực hiện thí điểm nuôi biển với các loại cá chim, tôm hùm. Đây là mô hình nuôi biển ở vùng biển hở bằng vật liệu HDPE đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung bộ.

Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển. Những hộ này sử dụng các thiết bị nuôi biển có hệ thống tự động hóa hiện đại, các lồng nuôi đều có camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử. Các cơ sở nuôi được trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới xây dựng mô hình nuôi công nghiệp. Trong quá trình nuôi thí điểm, các lồng nuôi tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù của ngư dân địa phương.

Nuôi biển công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững kinh tế biển.Thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng nhựa HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ. Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, giàu tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tại các vùng biển kín, vùng biển hở. Các cơ quan chức năng đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE. 

Ông Ninh nhấn mạnh: “Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định mục tiêu đến năm 2030 thì sẽ chuyển đổi toàn bộ cái lồng bè truyền thống của bà con sang công nghệ HDPE và nuôi theo phương thức mới, hiện đại hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên để làm được điều này, trước hết phải làm thí điểm. Làm thí điểm để bà con thấy được lợi ích trong việc chuyển đổi này.

Làm thí điểm như vậy phải vận động những người tiên phong đi ra vùng biển hở để chứng minh được rằng mô hình có hiệu quả. Để mô hình thí điểm này nó được thành công và áp dụng rộng rãi chúng ta còn rất nhiều biện pháp, như có cơ chế chính sách về mặt tín dụng, tiến tới nghiên cứu loại hình thức ăn công nghiệp không ô nhiễm môi trường".

Việc chuyển đổi từ mô hình nuôi biển truyền thống sang công nghiệp là hướng đi tất yếu. Người nuôi trồng phải di chuyển nuôi từ các vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển hở, xa bờ; phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn trong thu gom, xử lý chất thải; tạo chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm; kết hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển.

Thả con giống xuống lồng nuôi bằng vật liệu HDPE ở vùng biển hở, tỉnh Khánh Hòa.Thực tế hiện nay, nuôi biển vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, chưa được đăng ký và chưa có đăng kiểm về lồng bè, phương tiện nuôi biển. Vì vậy, các cơ sở nuôi biển và phương tiện nuôi biển không được công nhận là tài sản và được định giá tương xứng một cách hợp pháp để làm cơ sở cho mua bảo hiểm, vay vốn ngân hàng. Nguồn nhân lực cho nuôi biển cũng đang thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực nuôi biển công nghệ cao.

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp, Việt Nam cần phải tháo gỡ một số điểm nghẽn như sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển; quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững của quốc gia và từng tỉnh; ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển; xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương.

Để giảm rủi ro, khó khăn trong phát triển nuôi biển bền vững cho người dân, góp phần gỡ bỏ điểm nghẽn nuôi biển cần có sự thay đổi chính sách của Nhà nước để ngành nuôi biển thật sự là động lực phát triển. Trước mắt, cần quy hoạch không gian nuôi biển để thu hút đầu tư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học Công nghệ thuộc Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khẳng định, muốn chuyển dần từ nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, việc đầu tiên là cần thay đổi tư duy của người dân trong nuôi biển. Người dân liên kết thành nhóm, hợp tác xã và được giao vùng nuôi; Nhà nước phải sớm quy hoạch vùng nuôi ngoài khơi, từ 6 hải lý trở ra.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn: “Quy hoạch là việc của Nhà nước. Vùng nuôi giờ phải sắp xếp lại cho trật tự, nuôi chỗ nào, chỗ nào luồng lạch, chỗ nuôi thông thoáng và chỗ chất thải không tồn đọng dưới đáy biển. Phải quan trắc môi trường rồi giám sát thấy như thế nào để thay đổi.

Đi xa hơn nữa áp dụng công nghệ, bắt đầu lớn hơn. Áp dụng công nghệ thì phát triển lớn mà phát triển lớn lúc này thì cần có vốn, có đầu tư lớn hơn, đầu tư lớn hơn phải có hợp tác với doanh nghiệp. Vấn đề này khó, nhưng chúng ta có được một tổ chức xã hội thì có được sự quan tâm của chính quyền, có hỗ trợ của các doanh nghiệp, có sự điều phối của Nhà nước thì chúng ta từ từ chuyển đổi. Rất khó nhưng không có nghĩa là chúng ta đầu hàng".

Thủy sản từ nuôi biển công nghệ cao.Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nuôi biển bền vững, hạn chế các xung đột lợi ích trong không gian biển.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bên cạnh tổ chức lại khai thác hải sản, các địa phương cần khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển, thân thiện với môi trường.

“Ngành thủy sản trong vùng từng bước chuyển đổi đánh bắt có kiểm soát, giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với du lịch sinh thái biển, thân thiện với môi trường thay cho cách hiểu trước kia là du lịch đến đâu thủy sản lùi đến đó hoặc ngược lại. Các viện, trường của Bộ sẽ cung cấp những giải pháp công nghệ đào tạo nghề phù hợp cho từng nhóm đối tượng với những yêu cầu khác nhau.” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới và nằm trong vựa thủy sản toàn cầu. Vấn đề đặt ra lúc này cho các địa phương ven biển, trong đó, có các tỉnh Nam Trung bộ là cần đầu tư nâng cao sản lượng, chất lượng thủy sản xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn lợi biển.

Ngoài ra, khi đẩy mạnh việc nuôi biển còn góp phần thực hiện “mục tiêu kép” là tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển, tạo ra sự phát triển bền vững về kinh tế biển.

Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, nuôi trồng và khai thác hải sản sẽ chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ tái sinh nguồn lợi hải sản; Nghiêm cấm các hoạt động mang tính tận diệt; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học tiên tiến cho nuôi trồng, khai thác và bảo quản, chế biến hải sản; Tạo ra các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nuôi biển chuyển từ truyền thống sang công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, tích hợp đa ngành. Phát triển nuôi biển sang hướng công nghiệp mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, năng suất nuôi trồng của người dân, doanh nghiệp, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng, tăng thu nhập cho người dân ven biển, giảm tỷ lệ rủi ro do thiên tai./.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận