Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài: Nên chuyển dự toán cho dự án sẵn sàng hơn

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 tích cực hơn những năm gần đây, nhưng nhìn chung chậm. Bộ Tài chính nhận diện 4 vướng mắc.

 

Chỉ có 3/11 bộ, ngành đạt kết quả tích cực

Theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4%, tương đương 3.251 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng.

Số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3/11 bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%). Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tại Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạt 4,19%; Bộ Giáo dục và đào tạo là 5,26%.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đánh giá: "Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 có tiến bộ so với năm 2021 và 2022 song vẫn còn chậm, mới chỉ đạt khoảng 27,2% kế hoạch".

Năm 2023, tổng số vốn bao gồm cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài được giao của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là hơn 94.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 36%. Dù là một trong ba đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cao nhất cả nước, nhưng Bộ GTVT gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, trong đó chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhà tài trợ có ý kiến không phản đối chậm… Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT - cho biết: “Số vốn ODA giao cho Bộ GTVT là 4.958 tỷ đồng, ước tính 6 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân 2.020 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,7% cho 14/19 dự án ODA. Với quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cả năm là 95%, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân; kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc những dự án còn khối lượng giải ngân lớn, đặc biệt trong giải ngân vốn giải phóng mặt bằng để giải ngân thêm tối đa nguồn vốn đã được giao”.

 

Bắc Kạn được biểu dương

6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương rất thấp, mới chỉ đạt 6,32%. Trong đó, có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% và có đến 16/50 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Một số nguyên nhân được chỉ ra, đó là những dự án chưa có khối lượng hoàn thành thường do điều chỉnh chủ trương đầu tư; dự án chậm nhận được ý kiến của nhà tài trợ; hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai...

Đại diện nhóm các địa phương có quy mô vốn giải ngân lớn, các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao và nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đã có nhiều trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất với Bộ Tài chính các giải pháp tháo gỡ.

Bắc Kạn là một trong những tỉnh được biểu dương nằm trong nhóm giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài đạt cao của cả nước. Ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - cho biết: Tổng kế hoạch vốn đến năm 2023 tỉnh Bắc Kạn được giao là gần 265 tỷ đồng, trong đó vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là gần 206 tỷ đồng, vốn ODA vay lại là xấp xỉ 59 tỷ đồng. Tính đến ngày 27/6/2023, Bắc Kạn đã giải ngân khoản vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đạt 39,6%, vốn ODA vay đạt 25,1%.

Ông Đinh Quang Tuyên đề nghị Bộ Tài chính cùng các cấp có thẩm quyền đơn giản hóa các thủ tục tiến hành rút vốn nước ngoài để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; xem xét bổ sung nguồn vốn ODA cấp phát cho tỉnh Bắc Kạn là hơn 84 tỷ đồng để tỉnh đủ cơ sở giao chi tiết số vốn ODA vay lại, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hoàn thành đảm bảo thời hạn theo kế hoạch.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương, cụ thể là Ban Quản lý dự án phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết; rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án; thực hiện cắt giảm, chuyển vốn được giao đối với những dự án không khả thi, đồng thời bám sát từng dự án để chỉ đạo các nhà thầu thực hiện.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương làm việc với nhà tài trợ, đồng thời ghi nhận kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị để nhanh chóng đề xuất và đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn

Nhận diện vướng mắc

Theo nhận định của Bộ Tài chính, có 4 nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn ODA chậm trong nửa đầu năm nay. Trước hết là dự án được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết hiệp định vay phụ, hợp đồng ủy quyền cho vay lại. Tình trạng vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng cũng gây cản trở công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài.

Các dự án thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay còn chậm. Từ đó dẫn tới kéo dài thời gian ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, nhiều gói thầu chậm triển khai.

Cùng với đó là việc chưa nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ cũng như cách thức tổ chức triển khai dự án chưa phù hợp thực tiễn nên cần tiếp tục xử lý.

Từ nhận diện này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. "Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn", Bộ Tài chính đề xuất.

Đường vào hồ Ba Bể (Bắc Kạn) đang thi công

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay.

Bộ Tài chính đề nghị các chủ dự án tập trung triển khai kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề./.

"Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2023", Bộ Tài chính

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận