TP. HCM vẫn đang đứng trước vô vàn khó khăn rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức kịp thời trong thời gian tới.
Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM về vấn đề này.
PV: Thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM có tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Đâu là điều đáng lưu ý từ cuộc khảo sát này thưa ông?
Ông Nguyễn Phước Hưng: Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp tình trạng thiếu đơn hàng, chiếm tỷ lệ từ 30-50% tuỳ theo ngành nghề. Ngành da giày may mặc giảm 30-50%; ngành gỗ giảm 30%; ngành cao su nhựa giảm 20%; ngành thép giảm từ 40-50%; 95% doanh nghiệp bị lỗ và hàng tồn kho lớn.
Sức mua thị trường nội địa giảm từ 10-20% trong đó tại các chợ truyền thống như Tân Bình, An Đông giảm 30-50%, ngược lại sức mua kênh online tăng rất mạnh nhưng phần lớn hàng hoá lại của Trung Quốc.
PV: Những khó khăn, vướng mắc cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM đang gặp phải hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Phước Hưng: Doanh nghiệp đang thiếu vốn kinh doanh và cần vốn để duy trì dòng tiền đang bị đứt gãy, dù thành phố chỉ đạo rất mạnh việc kết nối doanh nghiêp với ngân hàng nhưng tác dụng chưa nhiều. Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ chưa được hấp thu như kỳ vọng.
Doanh nghiệp còn gặp khó khăn vì các thủ tục hành chính chưa được cải thiện cùng với sự thiếu rõ ràng của các quy đinh pháp luật và tâm lý ngán ngại, sợ sai gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Vì để an toàn nên ngành thuế rất cẩn trọng trong hoàn thuế khiến doanh nghiệp thiếu tiền để tái đầu tư và trả lương.
Việc đăng kiểm phương tiện gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp dù đã đăng ký qua mạng và xếp hàng nên đành phải xếp kho, dừng hoạt động. Việc kiểm tra PCCC buộc doanh nghiệp phải đóng cửa dù đã hoạt động nhiều năm nay.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, một số ngành, doanh nghiệp phải sa thải lao động còn người lao động phải đối diện với như mức đóng BHXH cao, thuế thu nhập cá nhân còn nhiều bất cập, tình trạng sa thải phổ biến khiến người lao động phải rút bhxh 1 lần để chi tiêu cho cuộc sống.
PV: Theo ông thì Chính phủ và chính quyền TP.HCM cần làm gì để kịp thời hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp vượt khó, đóng góp tích cực cho quá trình tăng trưởng thời gian tới?
Ông Nguyễn Phước Hưng: Chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực thi các gói hỗ trợ phù hợp và có tác dụng thực tiễn. Hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng mới thông qua các hội chợ, xúc tiến thương mại, thị trường mới ở các nước, thị trường ngách, hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động. Tiếp tục áp dụng thuế GTGT 8% kéo dài đến hết năm 2024 và tính toán phương án nâng mức chịu thuế thu nhập tối thiểu.
Lãi suất vay ngân hàng hiện nay khoảng 10%/năm là không phù hợp với khả năng và lợi nhuận của doanh nghiệp, kiến nghị NHNN tiếp tục quyết liệt tìm giải pháp giảm lãi vay xuống dưới 8% bằng cách giảm lãi suất huy động , chi phí vay cũng như khống chế lợi nhuận ròng của các NHTM.
Đối với thành phố, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục tham gia chương trình kích cầu khi NQ98 thay thế NQ54 có hiệu lực. Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới cũng như giải quyết hàng tồn kho. Cần hoàn thiện các thủ tục hành chính ví dụ như cấp sổ đỏ cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện sử dụng đất trong các khu công nghiệp để thế chấp vay vốn kinh doanh. Kiến nghị thành phố hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất được ưu tiên đăng kiểm.
Thành phố cần có chính sách đào tạo và sắp xếp lại lao động để phù hợp cũng như cần có cơ chế đặc thù để xem xét chủ trương cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất nông nghiệp công nghệ cao để phát huy tối đa nguồn lực đang bị lãng phí. Thành phố cần khẳng định rõ ràng mức giá thuê để tránh truy thu về sau và đẩy rủi ro cho doanh nghiệp.
PV: Xin cám ơn ông!
Huy Hoàng/VOVgiaothong.vn