Tình trạng nhiều hồ thủy điện tại miền Bắc thiếu nước cho phát điện những tháng trước đây đã khiến sản lượng điện sụt giảm. Trong bối cảnh phụ tải tăng cao, đã có lúc ngành điện phải cắt điện giảm tải ở nhiều địa phương. Thực tế này càng đòi hỏi bổ sung nhanh lưới truyền tải liên miền, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cho miền Bắc.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dài 514km với tổng vốn đầu tư 23.000 tỉ đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền. Dự án góp phần bảo đảm cung ứng, tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức khoảng 2.200MW lên khoảng 5.000MW, phù hợp với Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6/2024.
Xác định rõ tầm quan trọng của dự án, thời gian qua Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã chủ động triển khai các thủ tục đầu tư dự án, trình các cấp có thẩm quyền. EVNNPT cũng làm việc với lãnh đạo các địa phương có đường dây đi qua để tranh thủ nhận được sự ủng hộ của chính quyền và người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Cùng với đó, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án nhằm đảm bảo đưa vào vận hành theo đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết, xác định rõ công tác tư vấn giai đoạn rất quan trọng, EVNNPT đã đề nghị người đứng đầu các đơn vị tư vấn trực tiếp chỉ đạo huy động tối đa nhân lực của đơn vị, bố trí đủ thời gian để hoàn thành các thủ tục, hồ sơ các giai đoạn của các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng quy định và yêu cầu.
“EVNNPT kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) song song với quá trình trình duyệt chủ trương đầu tư và thẩm định thiết kế kỹ thuật cũng như trình duyệt BCNCKT. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) song song với quá trình trình duyệt chủ trương đầu tư của dự án, phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM không muộn hơn 5 ngày sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt. Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về công tác bồi thường GPMB, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, bàn giao mặt bằng cho thi công cho dự án”, ông Tùng cho biết.
Là địa phương có liên quan đến dự án, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh nhận thức rất rõ tầm quan trọng của cụm dự án đường dây 500kV mạch 3. Cụm dự án này trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, nên sẽ là dự án cấp bách nhằm đảm bảo điện miền Bắc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong những năm tới.
“Tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với EVNNPT và các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình UBND tỉnh để tỉnh có văn bản chính thức gửi Bộ, ngành liên quan nhằm sớm khởi công và hoàn thành dự án đáp ứng yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Liêm cho biết, đồng thời đề xuất EVNNPT thực hiện báo cáo Chính phủ các cơ chế đặc thù, đưa vào dự án vào công trình đặc biệt cấp bách quốc gia để ưu tiên các điều kiện triển khai thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Ban QLDA các công trình điện miền Trung thường xuyên phối hợp với ngành của tỉnh, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục và triển khai dự án.
Tại cuộc làm việc với EVNNPT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Trần Báu Hà khẳng định, đây là dự án đặc biệt quan trọng và cấp bách nhằm đảm bảo điện cho miền Bắc từ mùa hè năm 2024. Hà Tĩnh đã xác định rõ nhiệm vụ của mình nên khẳng định sẽ vào cuộc quyết liệt để những kiến nghị của EVNNPT được giải quyết thấu đáo.
“Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các Sở, ngành trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với EVNNPT và các đơn vị liên quan, hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình UBND tỉnh để tỉnh có văn bản chính thức gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm sớm khởi công và hoàn thành dự án đáp ứng yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Báu nói.
Nhận thấy thời gian hoàn thành dự án trong tháng 6/2024 là 1 thách thức lớn, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, EVN và EVNNPT sẽ huy động tối đa nguồn lực và quyết tâm hoàn thành dự án. Lãnh đạo EVN đề nghị EVNNPT tập trung nguồn lực cho dự án này và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong thời gian tới.
“EVN sẽ ưu tiên dành nguồn lực, giải quyết thủ tục EVNNPT trình trong thời gian nhanh nhất. ENV đã yêu cầu EVNNPT hoàn chỉnh lại các báo cáo, xây dựng các mốc tiến độ chi tiết cụ thể từ nay đến tháng 6/2024 và các cơ chế, chính sách cần sự hỗ trợ của Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương để EVN sớm báo cáo Thủ tướng và các Bộ, ngành giải quyết”, Tổng Giám đốc EVN khẳng định.
Tại cuộc họp mới đây với các đơn vị liên quan và 9 địa phương có dự án đi qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN và EVNNPT khẩn trương hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7/2023, bảo đảm chất lượng theo đúng quy định để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 8/2023 và phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 9/2023. Sau khi dự án được phê duyệt, các đơn vị này cần khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương để triển khai các công việc liên quan đến GPMB.
Đối với UBND các tỉnh có dự án đi qua, Bộ trưởng đề nghị giữ đúng hướng tuyến của dự án đã được cập nhật, thống nhất với EVNNPT và EVN để khẩn trương cập nhật vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan của địa phương theo quy định. Các địa phương cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng ngay sau khi dự án được duyệt. Đồng thời tập trung làm tốt công tác GPMB và thực hiện tái định cư (nếu có) nhằm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư sớm nhất để triển khai thi công.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN