Tăng trưởng 6 tháng cuối năm: Cần quyết liệt thúc đẩy tổng cầu

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ 3,72%, cần kích tổng cầu chỉnh tổng cung và ổn định giá quyết liệt tiếp sức tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 DN đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 DN quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%; 60.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho cũng tăng lên đáng kể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu.

Kích cầu được thực hiện quyết liệt

Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, với gói phục hồi 347.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua năm 2022, được coi là bước đột phá trong kích cầu chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn càu năm 2008. Từ ngày 4/7, việc kích tổng cầu được thực hiện thông qua giảm thuế VAT 2%. DN có cơ hội để giảm chí phí, tăng đầu tư mới, chặn đà giảm thành lập lập mới DN.

Việc giảm mạnh lãi suất huy động từ khoảng 10% xuống 7-8% thúc đẩy dòng tiền từ ngân hàng đưa vào sản xuất - kinh doanh. Tăng lương khu vực công từ 1/7/2023 mở rộng khả năng tiêu dùng nội địa, tạo động lực tiêu thụ lượng hàng tồn kho và thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, việc quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công góp phần kích cầu. Các dự án đầu tư quốc gia quy mô lớn như dự án đường cao tốc, đường vành đai, sân bay…với con số hàng chục ngàn tỷ đồng tạo cầu đáng kể về nguyên nhiên vật liệu, lao động.

Việc chủ động, tích cực đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua hội chợ, triển lãm, diễn đàn, hội thảo, kết nối giao thương, tạo khả năng tìm thị trường mới, phát triển sản phẩm mới, khắc phục tình trạng suy giảm đơn hàng đáng kể.

Chủ động, tích cực tìm thị trường xuất khẩu

Việt Nam có tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu khá cao gần gấp đôi GDP cho thấy cầu xuất - nhập khẩu rất lớn. Mọi sự đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế xuất khẩu hay nhập khẩu đều có thể gây tổn thương cho nền kinh tế. Việc xây dựng được thị trường xuất khẩu quy mô lớn và thị trường nhập khẩu tối ưu thúc đẩy cải thiện tổng cầu. Nhiều quốc gia đã có chính sách khai thác thị trường nước ngoài, để kích tổng cầu hàng xuất khẩu với nhiều giải pháp thị trường, kể cả biện pháp bị coi là rất nhạy cảm và bị các nước lên án cũng như bị cấm trong các thành viên Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là “phá giá mạnh” đồng tiền.

Nghị quyết mới về hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 (Số 93/NQ-CP, ngày 5/7/2023) tạo định hướng cụ thể, rõ ràng về tận dụng các nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế cả về thương mại, đầu tư, công nghệ. Các DN cần chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường mới, trước hết từ các DN thuộc các quốc gia mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do bao gồm trong ASEAN, Liên minh châu Âu thông qua EVFTA, CPTPP, RCEP.

Việc đầu tư lớn để hàng Việt Nam đáp ứng mọi yêu cầu chặt chẽ của các thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển kênh thâm nhập sâu hàng hóa, hình thành mạng lưới tiêu thụ quy mô lớn ngoài nước và nâng cao thương hiệu. Cả thị trường lớn và thị trường “ngách” cần được khai thác. Cần đồng hành giữa Chính phủ, DN, Hiệp hội và khai thác các nền tảng thương mại điện tử

Kích tổng cầu cần gắn chỉnh tổng cung

Trong nền kinh tế thị trường, tổng cầu cần gắn với tổng cung. Việc kích tổng cầu khi nhu cầu thường xuyên thay đổi do thu nhập, việc làm, tiến bộ công nghệ và văn hóa tiêu dùng có sự thay đổi cần có điều chỉnh cả tổng cung. Cung và cầu phù hợp sẽ tạo cơ cấu kinh tế cân đối, tối ưu, phù hợp với cơ cấu kinh tế khu vực và thế giới. Những mặt hàng có nhu cầu mới, lượng cầu tăng cao gắn với tiên bộ công nghệ có thể đầu tư lớn, tăng năng lược sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng chặt chẽ, ổn định cao nhất.

Do vậy, cần đầu tư vào đổi mới sáng tạo để thường xuyên có sản phẩm mới, tăng khả năng thâm nhập sâu thị trường, dẫn dắt thị trường và mở rộng quy mô DN. Đây là cách làm của nhiều nước nhất là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Tình trạng hàng tồn kho tăng đáng kể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu.Các mặt hàng thuộc khách hàng theo các tiêu chuẩn văn hóa, tôn giáo đòi hỏi đầu tư lớn như hàng theo tiêu chuẩn Đạo Hồi (Halal) với khoảng 1/5 dân số thế giới cần được chủ động, tích cực khái thác, không bỏ sót thị trường. Trong dài hạn, cần tiếp tục đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo lực lượng DN mạnh về số lượng và có khả năng đón đầu tiến bộ công nghệ phù hợp.

Việt Nam bên cạnh xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo có hàm lượng vốn, công nghệ và lao động vốn đầu tư cao chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, cần coi trong điều chỉnh nguồn cung hàng nông, lâm, thủy sản chủ yếu do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Các mặt hàng nông sản này thường có tình trạng cầu ít thay đổi và ít co giãn theo giá, cho nên khi giá xuất khẩu có xu hướng tăng, cần tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, theo hướng tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, giá cao, giảm tỷ trọng sản phẩm chất lượng trung bình hoặc thấp với giá rẻ. Chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để tiết kiêm chi phí nhất là chi phí trung gian và logistics.

Đồng thời, quyết liệt phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu để tăng giá hàng xuất khẩu. Chủ động tham gia cạnh tranh trên phân khúc hàng giá cao, chất lượng cao, gắn với các tiêu chuẩn phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Ổn định giá và đồng bộ “kích cầu và chỉnh cung”

Việc kích cầu dễ tạo mặt bằng giá mới so với hiện tại. Điều này dễ gây lạm phát, bất ổn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nhất là bộ phân người dân dễ bị tổn thương, tăng gánh nặng chính sách an sinh xã hội. Việc chỉnh cung cũng có thể tác động đến giá, nếu thu hẹp nguồn cung và thay đổi cơ cấu nguồn cung, như thu hẹp tỷ trọng một số mặt hàng và tăng các mặt hàng khác theo xu hướng thị trường.

Vì thế cơ chế ổn định giá cả trở thành sự quan tâm đặc biệt nhất là giá năng lượng, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu, Điều đó đòi hỏi phải có sự lựa chọn chiến lược cân bằng cả ngắn hạn và dài hạn, cơ chế dự bảo sự biến động cung, cầu và giá cả khoa học và có độ tin cây cao. Đặc biệt, cần có cơ chế bảo hiểm giá để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi tăng giá quá mức giá thông thường. Các cơ chế bình ổn giá cần xây dựng khoa học, có khả năng ổn định giá trong tình huống bất định.

Đồng thời, cần hình thành tâm lý ổn định trong cộng đồng DN và dân cư, tránh tình trạng quá lo lắng khi có biến động cục bộ giá không cần thiết. Cơ chế điều tiết gồm “kích cầu, chỉnh cung và ổn định giá” cần thực hiện minh bạnh, đồng bộ gắn với thông tin tuyên truyền đầy đủ, đúng hướng để tránh sai lệch cần chi phí điều chỉnh./.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận