Nhiều ý kiến mong muốn, Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá hiệu quả để việc tăng giá không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Theo khảo sát của PV, trước và sau khi lương tăng cơ sở, nhiều người chia sẻ, họ cảm thấy bình thường, không quá vui vì tình trạng “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng, thậm chí còn tăng cao hơn thế sẽ diễn ra; Số tiền lương mà người lao động được tăng không đủ để bù đắp vào chi phí tăng giá của mặt hàng tiêu dùng. Đây là tâm lý chung và phổ biến, bởi từ nhiều năm nay, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, hàng loạt giá cả trên thị trường lại có xu hướng tăng theo.
Chị Chu Quỳnh Nga, giáo viên mầm non ở phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, với những người làm công ăn lương, việc được tăng lương là tin rất vui. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Tăng lương cũng đồng nghĩa với việc người lao động có thêm thu nhập để chi tiêu, cải thiện mức sinh hoạt của gia đình, mỗi tháng thu nhập của chị Nga cũng tăng được thêm gần 1 triệu đồng. Tuy vậy, như nhiều người khác, chị Nga trăn trở, việc tăng lương không bù được với giá cả của nhiều mặt hàng tăng theo và có khi tăng trước cả tiền lương.
“Ở góc độ là giáo viên mầm non, tôi nghĩ, mức lương cơ sở tăng nhưng giá cả thị trường phải được giữ ổn định thì việc tăng lương mới có giá trị với người lao động. Thực tế hiện nay, lương tăng 1 đồng nhưng bó rau, con cá lại tăng giá gấp đôi, thu không đủ bù chi thì lại khiến cuộc sống của chúng tôi thêm phần khó khăn, đây là điều rất đáng lo ngại. Chúng tôi không thể chạy theo giá cả ngoài thị trường. Lương tăng, mọi thứ lại tăng theo thì đâu vẫn hoàn đó. Vì thế, tôi không biết nên mừng hay nên lo khi được tăng lương”, chị Nga cho biết.
Chị Nguyễn Thu Hồng (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ, chị làm nghề buôn bán tự do nên không quan tâm nhiều đến việc tăng, giảm lương cơ sở, bởi điều này không ảnh hưởng tới thu nhập của chị. Tuy nhiên, theo quan sát của chị, từ nhiều năm nay, cứ khi nào lương tăng hoặc chuẩn bị tăng thì giá cả hàng hóa, dịch vụ đã lập tức tăng theo. Những người lao động tự do như chị phải chịu thiệt thòi đủ đường.
“1 tuần nay đi chợ, giá rau, thịt, trứng lại tiếp tục tăng. Nếu như trước đây, mỗi buổi đi chợ tôi tiêu hết 150.000 đồng thì nay phải tăng thêm 40.000-50.000 đồng mới đủ mua thức ăn cho 2 bữa trong ngày. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, gia đình tôi phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm, hạn chế đi ăn bên ngoài. Hai vợ chồng tôi đều là lao động tự do, việc giá cả tăng giá đồng loạt như hiện nay khiến cuộc sống gia đình tôi chật vật, vất vả hơn. Tới đây, chồng tôi dự tính sẽ chạy thêm xe ôm vào buổi tối để gia tăng thu nhập. Tôi mong Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường, không làm ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người dân khi giá cả tăng lên”, chị Hồng nói.
Giá cả tăng cao, cuộc sống thêm chật vật là nỗi lo lắng của nhiều người, nhiều gia đình. Từ đầu năm đến nay, không chỉ giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng giá mà nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng được điều chỉnh tăng theo, cuộc sống người dân càng thêm eo hẹp.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng lương 20% cho công chức và 12% cho người về hưu thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với chính sách, đối với cán bộ công nhân viên chức và góp phần nâng cao đời sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh sự mừng vui thì nhiều người cũng lo lắng vấn đề “té nước theo mưa”, giá cả hàng hóa tăng lên theo lương, đây là tâm lý chung của nhiều người. Thực tế thời gian qua giá điện đã tăng lên, một số mặt hàng khác cũng rục rịch tăng theo như nước, sách giáo khoa…
Ông Phú phân tích, khi lương thay đổi thì giá cả cũng sẽ thay đổi nhưng nó có độ trễ, độ trễ nhanh hay chậm là do một số yếu tố: yếu tố thứ nhất là tâm lý tăng giá của người bán. Người bán có tâm lý rằng, lương của người tiêu dùng tăng thì mình cũng tăng giá bán một chút. Người bán những mặt hàng khác nhìn vào cũng điều chỉnh giá tăng theo. Đây là xu hướng tâm lý đám đông.
Yếu tố thứ hai là quản lý Nhà nước. Ngoài những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống đầu cơ, loạn giá như xăng, dầu, điện, nước, hàng hóa trong siêu thị, sách giáo khoa... thì còn một phần lớn hàng hóa đang được thả lỏng, chưa thể kiểm soát là các mặt hàng được buôn bán tự do ở chợ.
“Nhà nước chỉ quản lý hơn 10 mặt hàng, cơ quan quản lý không thể bắt bà bán rau, bà bán thịt tăng, giảm giá. Những tiểu thương này tự quyết định giá cả mặt hàng họ bán, theo thời điểm, theo đối tượng mua. Do đó, về cung cầu phải đảm bảo tổ chức sản xuất tốt, đưa thẳng, nhanh từ sản xuất hàng hóa đến tiêu dùng và kiểm soát giá một cách thường xuyên, kỷ cương về giá trên thị trường phải đảm bảo thật nghiêm minh nhất là khu vực chợ dân sinh”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, để hạn chế được tình trạng tăng giá bán hàng hóa đồng loạt như hiện nay, Nhà nước phải cầm chịch, những mặt hàng nào trong phạm vi quản lý thì phải yêu cầu kê khai giá và kéo giá xuống; phải chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả để đỡ thiệt hại cho người tiêu dùng; Thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kể cả khu vực siêu thị, nhất là ở chợ, hiện nay đang bị buông lỏng.
TS, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, việc tăng lương là điều đáng mừng cho người lao động, do đó, cần có biện pháp quản lý giá để đảm bảo lợi ích cho người lao động.
“Lương tăng, giá hàng hóa cũng tăng cùng một tốc độ, chẳng hạn như tăng lương ở mức 5% và giá hàng hóa cũng tăng ở mức 5% thì không có chút ý nghĩa nào trong việc tăng lương, cuộc sống của người lao động sẽ không được cải thiện qua việc tăng lương. Chính phủ có thể kiểm soát việc xăng dầu, có thể kiểm soát được vận tải, giá cả, đường hàng không, nhưng Chính phủ không thể điều chỉnh được giá thịt lợn, giá của một bát phở, không điều chỉnh được giá cả trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Đây là bài toán khó cần tìm ra lời giải”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Cũng theo ông Hiếu, việc tăng lương là cần thiết trong thời điểm này. Mục tiêu của việc tăng lương là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc nhanh hơn mức tăng của lương. Chính phủ cần có biện pháp thích ứng để có thể kiểm soát, kiềm chế được lạm phát và giá cả không tăng theo lương.
“Thị trường giá cả niêm yết phải được thực thi và phải được tôn trọng một cách triệt để. Người nào, cơ quan, tổ chức kinh tế nào niêm yết giá một đằng và bán giá một nẻo (trừ những trường hợp được chiết khấu hoặc trừ trường hợp đặc biệt có giá thấp hơn) thì phải thông báo cho người mua, còn nếu bán mập mờ, không đúng với giá niêm yết thì đây là điều không hợp pháp và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Chung Thủy/VOV.VN