Chính sách thuế lạc hậu, không theo kịp với trượt giá
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2022, thu thuế TNCN đạt 166.733 tỷ đồng, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần. Số lượng người nộp thuế TNCN không ngừng tăng qua các năm.
Nộp thuế sẽ là niềm tự hào nếu người nộp thuế có mức sống dư giả, tuy nhiên, cuộc sống người lao động luôn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do chính sách thuế lạc hậu, không thay đổi kịp thời, không theo kịp với trượt giá. Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Trong khi đó, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần.
Chị Hoàng Minh Hiền, nhân viên văn phòng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, tổng thu nhập gồm phụ cấp, thu nhập tăng thêm của chị khoảng 13 triệu đồng/tháng và phải đóng thuế thu nhập cá nhân 386.000 đồng. Gia đình chị có 2 con nhỏ đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho chồng chị. Khoản lương của chị vượt qua ngưỡng 11 triệu đồng bắt đầu đóng thuế TNCN. Sau ngày 1/7, khoản lương của chị tăng khoảng 800.000 đồng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì khoản tăng lương này, chị lại phải tiếp tục đóng thuế TNCN cho khoản tăng thêm.
“Khoản giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người và mức thu nhập tính thuế TNCN 11 triệu đồng quá thấp so với chi phí sinh hoạt hiện nay. Hiện mỗi tháng, tiền học phí, học thêm, ăn uống, bỉm sữa cho mỗi con, tôi chi tiêu tiết kiệm cũng phải 6-7 triệu đồng/con/tháng, chưa kể lúc ốm đau chi phí nằm viện có khi tăng lên vài triệu đồng. Tôi mong cơ quan chức năng nên sớm nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh để phù hợp với đà tăng của giá cả”, chị Hiền kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế.
“10 năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2.000.000, tương đương 20%. Mức tăng không tương xứng với CPI, dù CPI chưa phản ánh hết giá cả của nền kinh tế”, PGS. TS. Phạm Thế Anh nói.
Ông Thế Anh cho rằng, cần phải nâng mức thu nhập nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh đối với phụ thuộc để hỗ trợ người có thu nhập thấp đủ để trang trải cuộc sống.
“Nếu như một gia đình tại thành phố cho con học trường tư thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng này không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông trong khi khoản chi phí cho con học trường công đó cũng không được giảm trừ khi tính thuế”, TS. Phạm Thế Anh thẳng thắn nói.
Cần nhanh chóng sửa luật
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Phó Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, đã đến lúc cần nâng mức giảm trừ gia cảnh. Theo TS Độ, tình hình kinh tế thay đổi nhưng chính sách thuế TNCN đã duy trì gần 10 năm nên đã lạc hậu. Tuy nhiên, việc thay đổi, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức nào cần có sự nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng với người dân và nền kinh tế.“Thực tế cho thấy, mức sống của người dân đã tăng cao hơn với số người nộp thuế TNCN ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, chính sách phải thay đổi theo thực tế, một chính sách duy trì gần 10 năm là chưa phù hợp. Để đảm bảo mức sống cho người dân, mức thu nhập đóng thuế và mức giảm trừ gia cảnh cần tăng lên”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.
Theo ông Độ, lạm phát trong 7 - 8 năm gần đây khá thấp, lạm phát trung bình khoảng 3%/năm. Tính trung bình 10 năm gần đây, giá cả hàng hóa tăng khoảng 1,5 lần. Số thu từ thuế TNCN cũng đã tăng lên nhiều do duy trì mức đóng thuế cố định trong khi GDP mỗi năm đều tăng, lạm phát tăng cùng với số người đóng thuế ngày càng nhiều hơn.
“Ngưỡng thu nhập chịu thuế TNCN 11 triệu đồng/tháng được áp dụng khi tính thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng. Sau gần 10 năm, thu nhập đã tăng lên 13 triệu đồng/tháng, vì vậy, cũng cần điều chỉnh theo”, ông Độ nêu ý kiến.
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, CPI tăng 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, việc quy định mốc thời điểm CPI thay đổi 20% khiến phải mất tới 5-7 năm thậm chí 10 năm mức giảm trừ gia cảnh mới được đổi một lần. Chính sách có độ trễ lớn nên người dân phải chịu thiệt thòi.
“Một trong những nội dung cần sửa đổi của Luật Thuế thu nhập cá nhân là phải linh hoạt điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Việc thay đổi này có thể thực hiện hàng năm và có thể gắn nó với sự thay đổi của CPI. Ví dụ, sau mỗi năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 5% thì mức giảm trừ gia cảnh phải tự động tăng 5% thì mới phù hợp với thực tiễn”, PGS.TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Từ năm 2022, Quốc hội đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến bộ, ngành, địa phương và báo cáo Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng Luật thuế TNCN.
“Quốc hội đã phê duyệt việc xây dựng Luật thuế TNCN và dự kiến năm 2025 sẽ sửa đổi. Đến thời điểm này, căn cứ của thay đổi mức giảm trừ gia cảnh chủ yếu phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng. Đến thời điểm sửa luật, chúng tôi sẽ xin ý kiến bộ ngành, địa phương xem có thêm căn cứ quyết định mức giảm trừ gia cảnh”, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế cho biết.
Được biết, việc sửa đổi Luật thuế TNCN qua 2 vòng thủ tục gồm: đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi.
Theo VOV.VN