Kết luận Thanh tra chỉ ra, đơn vị này có vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.
Theo một số ý kiến, một trong nguyên nhân dẫn đến vi phạm này là do thị trường điện cạnh tranh chưa hoạt động đúng nghĩa dẫn đến khâu vận hành còn nhiều bất cập, tồn tại. Vậy sau 10 năm, thị trường điện cạnh tranh đang vận hành như thế nào? Tác động ra sao đến quản lý ngành điện?
Theo lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh được phê duyệt theo quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện cạnh tranh thực hiện theo 3 cấp độ.
Ngày 1/7/2012, thị trường điện bắt đầu vận hành giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) chính thức. Từ 1/1/2019 đến nay, thị trường điện đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) và đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, chuẩn bị để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM).
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực năng lượng khẳng định, việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh năm 2012 đã mang đến một số kết quả khả quan so với trước đây khi có sự tham gia của một số đơn vị phát điện. Tuy nhiên, thị trường điện của Việt Nam nói chung, thị trường phát điện cạnh tranh về cơ bản chưa hoạt động đúng nghĩa, chưa minh bạch, khi có tới 1/3 sản lượng phát điện không tham gia thị trường.
Ông Lâm nhấn mạnh: "Thị trường phát điện cạnh tranh không hoàn hảo, bởi vì tính cạnh tranh cực thấp. Ở các nước thừa điện người ta mới cạnh tranh, còn ở Việt Nam từ trước đến nay ta toàn thiếu điện, vì ta còn mua điện ở nước ngoài nên tính cạnh tranh mang tính hình thức, đặt giá cao cũng phải mua, đặt giá thấp cũng phải mua. Thứ hai, không phải tất cả các nhà máy được tham gia vào thị trường cạnh tranh. Cụ thể các thủy điện đa chức năng, thủy điện lớn và các nhà máy điện BOT do nước ngoài đầu tư, vận hành sau đó chuyển giao nằm ngoài phạm vi cạnh tranh".
Cũng theo ông Lâm, thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng chưa minh bạch, vẫn còn mang tính cục bộ khi mới chỉ có 5 đơn vị tham gia thị trường bán buôn điện trong đó có 3 Tổng công ty của điện lực và Điện lực Hà Nội, Điện lực Tp.HCM.
GS. TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban khoa học công nghệ của Hội điện lực Việt Nam, trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh gồm 3 giai đoạn, thị trường phát điện cạnh tranh cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận là phá bỏ độc quyền phát điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Hiện nay, có thêm nhiều nhà máy phát điện tham gia vào thị trường phát điện bao gồm cả nhà các nhà máy điện có công suất từ 30MW và một số nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, theo lộ trình thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện chưa thực hiện đúng nghĩa, ông Long nêu ý kiến: "Thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh hiện nay chưa được thực hiện theo đúng lý tưởng và thiết kế. Bởi lẽ muốn thực hiện được thị trường điện bán buôn cạnh tranh, phải có nhiều đơn vị có khả năng mua bán buôn để các đơn vị ấy cạnh tranh với nhau. Tất cả các đơn vị mua bán buôn điện chủ yếu là 5 đơn vị phân phối của EVN. Nếu mà chúng ta thực hiện theo đúng lộ trình, thì người dân, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, nếu mà trục trặc, không thực hiện được thị trường giá điện cạnh tranh, người dân không được hưởng lợi".
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, Nghị quyết số 55 đã đề ra mục tiêu bỏ độc quyền trong lĩnh vực điện lực từ năm 2022 nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được. Điều này đi ngược với cơ chế thị trường nên người dân còn gặp nhiều thiệt thòi về giá điện tiêu dùng sinh hoạt hàng ngày.
Bà An cho biết: "Nếu thị trường điện cạnh tranh đáng nhẽ giá phải giảm đi mà cứ dần dần tăng lên. Mà cái lý của sự lý giải của tăng chưa thuyết phục với dân. Mọi người đề nghị phải minh bạch các giá đầu vào để hình thành giá điện để cho dân được kiểm soát thì vẫn chưa làm được điều đó. Giá điện chưa được minh bạch, chưa được công khai, chưa được tính đúng giá đầu vào và hàng loạt câu hỏi dân đặt ra. Vì sao lại như thế, đề nghị Chính phủ làm rõ tại sao, nguyên nhân nào lại như vậy, tại sao lại có sự chậm trễ này, ảnh hưởng đến đời sống của dân".
Trước đó, trả lời Đài Tiếng nói Việt Nam, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng bày tỏ băn khoăn về việc bao năm qua Tổng Công ty điện lực vẫn không thể cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, cắt điện, trong khi giá điện vẫn tiếp tục tăng. Trong 10 năm qua, giá điện tăng đến 8-9 lần nhưng EVN vẫn liên tục báo lỗ trong khi 5 đơn vị thuộc EVN lại báo lãi.
Tại Hội thảo "Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, chính sách giá điện của Việt Nam thời gian qua đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hộ nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: "Những tồn tại, hạn chế bất cập và khó khăn, vướng mắc về giá điện hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Và chúng tôi thấy rằng chúng ta cần nghiên cứu 1 số kinh nghiệm quốc tế, và kể cả tham vấn của các tổ chức quốc tế. Những vấn đề quản lý giá điện là vấn đề nắng lượng của toàn cầu, cho nên những kinh nghiệm tốt trong quản lý giá điện tôi đề nghi hết sức lưu ý…"
Một số ý kiến cho rằng, để ngăn tránh cơ chế độc quyền, khả năng lộng hành giá và thao túng thị trường điện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm 2 Tổng công ty độc lập. Đó là: Tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220 kV trở lên theo đúng Luật Điện lực và 1 Tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc Tổng công ty phân phối điện.
Thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, hoạt động của các doanh nghiệp mà người dân cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện theo lộ trình, người dân vẫn phải chi khoản tiền điện tăng dần qua các năm và vẫn phải chịu tình trạng cắt điện, mất điện mỗi khi vào đợt cao điểm. Việc minh bạch hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cách tính giá điện có thể giải quyết được phần nào những vướng mắc hiện nay.
"Cần minh bạch để các bên tham gia giám sát"
Ngày 27/4/2023, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377 điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là trên 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành từ ngày 4/5/2023.
Như vậy, trong 10 năm, từ năm 2009-2019, giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm. Tính từ năm 2009 đến nay, giá điện bình quân của EVN đã tăng gần gấp đôi, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920 đồng/kWh
Theo đại điện của EVN, với mức tăng này, số tiền điện tăng thêm của các hộ tiêu thụ điện không có nhiều thay đổi, chẳng hạn hộ tiêu thụ 50kWh/ tháng chỉ tăng 2.500 đồng/ hộ và 5.100 đồng/ hộ đối với hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, và 27.200 đồng/hộ đối với hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng.
Tuy nhiên, điện là chi phí đầu vào của nhiều đơn vị sản xuất, như chiếm khoảng 9-10% giá vốn đối với doanh nghiệp sản xuất thép, chiếm từ 14-15% giá vốn hàng bán đối với lĩnh vực xi măng... thì việc tăng giá điện cũng khiến giá của nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, điều này khiến cho cuộc sống của người dân đô thị bị ảnh hưởng không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.
Mặt khác, Điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên điện nếu tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%, theo tính toán, có thể giảm GDP giảm khoảng 0,14%.
Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63 về lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện theo 3 cấp độ. Mục đích của việc hình thành thị trường điện cạnh tranh nhằm để đảm bảo tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực điện. Doanh nghiệp được quyền tự quyết định đến vận mệnh của mình, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ở đó nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được quyền lựa chọn và hưởng lợi.
Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh không đảm bảo tiến độ và chưa phát triển đúng nghĩa theo cơ chế thị trường khiến cho dư luận, doanh nghiệp, người dân “dậy sóng” mỗi khi có quyết định điều chỉnh tăng giá điện. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường điện, giải tỏa những nghi ngại của doanh nghiệp của người dân.
Trước hết, cần sớm có những cơ chế, chính sách, quy định để xóa bỏ tình trạng độc quyền trên thị trường điện. Các nhà sản xuất, cung cấp điện lớn, nhỏ đều có quyền bình đẳng như nhau trong việc tham gia thị trường phát điện cũng như thị trường bán buôn, bán lẻ sau này. Đơn vị nào có giá điện cạnh tranh sẽ được ưu tiên.
Thứ hai, cần minh bạch hóa cách tính giá bán điện hiện nay, quản lý giá điện đầu vào và đầu ra. Thông thường giá điện gồm có 4 thành phần chính bao gồm giá phát điện, chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối điện và chi phí dịch vụ phụ trợ bao gồm điều hành hệ thống, dự phòng…Trong đó, giá phát điện chiếm tới 70% nhưng hiện nay công tác quản lý giá phát điện đang đi buông lỏng. Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành định mức về giá phát điện, cũng như có một chiến lược quản lý chặt chẽ về định mức giá phát điện, kiểm soát chặt chẽ định mức than để sản xuất ra 1 kWh điện.
Đối với giá điện đầu ra (hay còn gọi giá điện bình quân), việc công khai, minh bạch cách tính giá thành sản xuất điện so với cách tính giá thành sản xuất của các ngành, các doanh nghiệp khác là điều cần thiết.
Giá điện là mặt hàng nhạy cảm, việc điều chỉnh có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân nên quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển của thị trường điện sẽ thúc đẩy thị trường hoạt động cạnh tranh, minh bạch và công bằng.
Nếu mà minh bạch hóa được và vận hành cạnh tranh sòng phẳng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp cạnh tranh hoạt động hiệu quả và đảm bảo sự cạnh tranh, đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Chính sách giá điện, thị trường điện có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần huy động sự tham gia của các chuyên gia ngành điện tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại toàn bộ hoạt động của thị trường điện lực trong 10 năm trở lại đây, chỉ ra những bất cập, tồn tại để sớm đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh phát triển theo đúng mục tiêu và lộ trình đã đề ra.
|
Hải Hà/VOVgiaothong.vn