Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”, trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức sáng 1/8 tại Hà Nội.
Dự và phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bày tỏ, trước thách thức ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế tuần hoàn. “Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết, để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon vững mạnh và cạnh tranh”, ông Sỹ nói.
Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, Tổng giám đốc Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, các DN cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Mô hình này cần được DN áp dụng trong 5 giai đoạn: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; thứ hai là quá trình sản xuất hạn chế, không tạo ra rác thải; thứ ba là tiêu dùng có trách nhiệm; thứ tư là quản lý rác thải và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế và cuối cùng là khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng, vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
“Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung toàn cầu hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã thay đổi. Họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính”, Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), khẳng định mong muốn của Việt Nam là đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đưa ra lộ trình nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát, là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội cùng 4 mục tiêu cụ thể: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Do đó Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ đề xuất, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao xây dựng và thực thi chương trình hành động phù hợp và hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội mang lại cũng như xoay chuyển để hạn chế những thách thức.
“Với chủ đề “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”, Ban Tổ chức mong muốn các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và DN cùng tập trung bàn thảo những vấn đề cấp thiết và ý nghĩa nhằm hướng đến sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam”, Tổng giám đốc Đỗ Tiến Sỹ định hướng thảo luận.
Tại Diễn đàn, các diễn giả cùng tập trung thảo luận và phân tích trao đổi làm rõ việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; nguyên nhân còn tồn tại một số hạn chế về sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường đến với người tiêu dùng; giải pháp duy trì thói quen, hành vi tiêu dùng bền vững từ người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, những bài học quốc tế trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững; vai trò của việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng hay những đề xuất, kiến nghị về thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng cũng sẽ được các chuyên gia chia sẻ và trao đổi.
Theo VOV.VN