Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm đã được chỉ ra từ lâu. Bởi vậy, đã đến lúc cần giải pháp quyết liệt hơn, thậm chí chấm dứt việc giao dự án mới, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư với những đơn vị chậm giải ngân.
6 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân được hơn 35.600 tỷ đồng trong tổng số 94.100 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 37,4% kế hoạch năm. Con số này gấp hơn 2 lần giá trị và cao hơn 7% về tỷ lệ nếu so với cùng kỳ năm 2022, và cũng cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.
Tuy vậy, nếu so với kế hoạch đăng ký đầu năm của các chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân của các dự án vẫn khá chậm. Bởi vậy, để “tiêu” hết hơn 59 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm cũng là áp lực không nhỏ.
Điều đáng nói, hai nút thắt là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng, dù đã được chỉ ra từ lâu, nhưng vẫn tồn tại, và là trở lực chính làm chậm kế hoạch giải ngân cho các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2023, nhất là các dự án thuộc cao tốc Bắc- Nam.
Mặc dù ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và yêu cầu các chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, song đến nay, mới giải ngân được khoảng 30% giá trị.
Tương tự, về vật liệu xây dựng, theo rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, tiến độ thi công các dự án giao thông hiện nay bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự thiếu hụt nguồn vật liệu, nhất là các dự án cao tốc giai đoạn 2.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, dù các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát, song các địa phương mới xác nhận khối lượng khai thác đối với 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát...
Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp điêu đứng khi mỏ vật liệu ngay gần tuyến đang thi công, nhưng dự án phải vận chuyển đất cách đó 30km, mất nhiều thời gian gây tốn kém chi phí. Rõ ràng trách nhiệm của các chủ dự án và chính quyền địa phương là không nhỏ trong việc gỡ nút thắt về vật liệu xây dựng.
Tuy vậy, trong khi chờ đợi sự phối hợp, tháo gỡ các nút thắt về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng từ các Bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT với vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành cần mạnh tay xử lý với các nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ, chậm giải ngân vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Như đánh giá của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình giao thông trọng điểm còn bắt nguồn từ chính các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khi chưa làm hết trách nhiệm, chưa sâu sát, quyết liệt thực hiện theo nhiệm vụ được giao.
Bởi vậy, việc đánh giá, chấm điểm các nhà thầu, các Ban Quản lý dự án cần được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thậm chí chấm dứt việc giao dự án mới, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư, nếu tồn tại những yếu kém khiến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung.
Chấm điểm các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu không chỉ vì mục tiêu phấn đầu đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ, mà còn nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của các các đơn vị này, tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc lựa chọn đơn vị quản lý, thi công các dự án giao thông trọng điểm trong tương lai.
Theo VOVGIAOTHONG.VN