Tận dụng cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

Sản xuất trong nước và diễn biến xuất khẩu gạo Việt Nam thuận lợi nhưng thị trường thương mại gạo toàn cầu đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

 

Sáng nay (4/8), tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo. Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng.

Diễn biến của thị trường gạo xuất khẩu đã làm nóng Hội nghị, khi ban tổ chức cho biết đã thu hút khoảng gần 200 đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương; Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tham dự. Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, tín hiệu đáng mừng cho thấy đến hết tháng 7 vừa qua, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp...

Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Tại An Giang, nơi có vùng sản xuất lúa gạo lớn của cả nước, theo ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ thông tin, dự kiến cả năm nay, diện tích xuống giống lúa, nếp của địa phương ước đạt trên 600.000 ha, sản lượng ước đạt trên 4 triệu tấn lúa/năm. Diễn biến tình hình sản xuất và xuất khẩu thuận lợi đã đảm bảo người dân có lợi nhuận từ hơn 1.100 - 2.100 đồng/kg.

“Trong 4 triệu tấn chúng tôi dự kiến xuất khẩu 1,16 triệu tấn. Tiêu thụ trong nước chúng tôi dự kiến hơn 1,62 triệu tấn, số còn lại để cho xuống giống các vụ sau. Thứ hai nữa là lưu kho 5% và số còn lại lưu kho ở trong người dân, chúng tôi dự kiến là như thế” - ông Nguyễn Thành Huân.

Sản xuất trong nước và diễn biến xuất khẩu gạo Việt Nam thuận lợi. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới cho thấy đến giữa tháng 7 năm nay thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp. Sau Ấn Độ, UAE cũng vừa thông báo dừng xuất khẩu gạo. Nga cũng chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng. Nhiều ý kiến nhận định đây là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Niềm vui khi lúa được mùa, được giá.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN và PTNT nêu rõ, theo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2023, cả nước gieo cấy trên 7 triệu ha với sản lượng 43 triệu tấn thóc. Hiện tình hình sản xuất lúa gạo, đặc biệt ở vùng ĐBSCL đang rất thuận lợi. Nếu không có những diễn biến bất lợi lớn thì năm nay sẽ được mùa kỷ lục, có thể trên 43 triệu tấn lúa. Chính vì thế, theo nhận định của ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt sau khi cân đối lượng gạo tiêu thụ cho thị trường trong nước, số gạo còn lại, dù có đẩy lượng xuất khẩu lên trên 7,5 triệu tấn cũng sẽ đảm bảo.

“Chúng ta không nói được trước điều gì từ nay đến cuối năm, nhưng với những gì đã chuẩn bị, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được việc đảm bảo an ninh lương thực cũng như chủ động trong vấn đề xuất khẩu. Ở đây tôi có thêm thông tin để chúng ta hoàn toàn yên tâm là đảm bảo an ninh lương thực ở mức độ cao nhất. Chúng ta có những dự trù tính toán đảm bảo an toàn nhất, để có những giải pháp phù hợp nhất với những vấn đề thiên tai hoặc dịch bệnh xảy ra trên diện rộng” - ông Nguyễn Như Cường nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua. Hiện đã vượt qua Thái Lan, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về xuất khẩu gạo. Gần đây nhất, sau khoảng hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (từ ngày 20/7), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 USD/tấn, từ mức 535 tăng lên mức 602 USD/tấn; giá gạo Jasmine của Việt Nam cũng tăng từ mức 625 lên trên 690 USD/tấn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Từ đây đến cuối năm, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn rất lớn. Đây là cơ hội của Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên cũng cần nhận định sát tình hình hạn chế những rủi ro của thị trường xuất khẩu.

“Diễn biến thất thường của thời tiết, hiện tượng El Nino và không chỉ ảnh hưởng của Việt Nam mà các quốc gia, hiện tượng này có thể kéo dài cho đến năm sau. Việc dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng có thể dừng đến năm sau. Cho nên vấn đề quản lý sản xuất cương quyết để mà định hướng trong sản xuất và xuất khẩu” - ông Nguyễn Ngọc Nam nói.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mức, tận dụng thời cơ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuận lợi nhất; thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo cho người dân ở mức có lợi nhất. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng như các bộ ngành có liên quan luôn theo dõi sát diễn biến thị trường để không bị động, bất ngờ trước những diễn biến, thay đổi của thị trường xuất khẩu; đồng thời với đó, phải đảm bảo công tác an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

“Giá xuất khẩu một số chủng loại gạo thì cũng hiện đã lập mức kỷ lục trong 11 năm qua và giá thóc gạo hàng hóa của người dân cũng luôn cao hơn, tất nhiên cao hơn này cũng cần cân nhắc, tính toán. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo rất tích cực và các địa phương thì cũng đã nỗ lực, nhất là khu vực ĐBSCL diện tích tăng khoảng 700.000ha, tăng hơn 50.000ha so với năm trước, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn lúa. Trong điều kiện bình thường với dự kiến này sau khi đã để tiêu dùng nội địa để mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực thì rất có thể thì chúng ta rất có thể xuất khẩu trên 7,5 cho đến 8 triệu tấn lương thực” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận