Những năm gần đây, tỉnh Bình Định là một trong những địa phương ven biển đẩy mạnh quản lý tàu cá, khi ra khơi đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tỉnh này đã vận động tất cả tàu cá có chiều dài 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, quản lý thông qua ứng dụng. Đồng thời, tiên phong thí điểm giám sát tàu cá vùng khơi bằng nhật ký điện tử, góp phần quản lý tốt các tàu khai thác trên biển, truy xuất được tọa độ và hành trình của mỗi chuyến biển.
Những ngày đầu tháng 8, tàu cá BĐ 97445 chở 16 thuyền viên xuất bến tại cảng Quy Nhơn vượt biển đến ngư trường Trường Sa đánh bắt thủy sản. Trước khi xuất bến, ông Nguyễn Văn Thạch (40 tuổi), thuyền trưởng tàu cá BĐ 97445 kiểm tra lại hệ thống thiết bị giám sát hành trình đảm bảo hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Văn Thạch cho biết, khi đánh bắt trên biển ngư dân phải liên tục kiểm tra tình hình hoạt động của máy giám sát hành trình, không để thiết bị này bị hỏng hoặc mất kết nối.
“Máy giám sát hành trình lúc tàu ra khơi sẽ bật 24/24h, chỉ khi nào tàu cập cảng, xuất trình giấy tờ xong mới tắt. Trên tàu luôn có nguồn điện ổn định cho thiết bị, có thông báo khi bị tắt. Tàu có trang bị giám sát hành trình rất hiệu quả, nhất là khi có sự cố, thủy thủ dễ dàng liên lạc với lực lượng chức năng hỗ trợ”, ông Thạch cho biết.
Hiện nay, tất cả các tàu cá trên 15m ra vào cảng cá Quy Nhơn đều được Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kiểm tra hoạt động thiết bị giám sát hành trình và các giấy tờ liên quan. Thượng úy Trần Đặng Bình Đạt, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa Khẩu Cảng Quy Nhơn cho biết, thông qua hệ thống giám sát hành trình, lực lượng Biên phòng kiểm soát tọa độ hoạt động của các tàu cá trên biển. Những tàu ngắt kết nối, lực lượng biên phòng sẽ tìm biện pháp liên lạc yêu cầu chủ tàu khắc phục ngay.
“Khi phát hiện phương tiện ngắt kết nối giám sát hành trình trên biển, địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng cảng Quy Nhơn xuống từng gia đình thông báo, yêu cầu họ bật thiết bị giám sát hành trình lại. Thông qua hệ thống liên lạc đường dài, lực lượng yêu cầu chủ phương tiện, hoặc thuyền trưởng đó phải bật lại hệ thống giám sát hành trình, duy trì kết nối 24/24h. Nếu phương tiện bị hỏng không thể duy trì được, lực lượng yêu cầu họ vào những đơn vị trong bờ để xử lý”, Thượng úy Trần Đặng Bình Đạt cho biết.
Tỉnh Bình Định hiện có 3.200 tàu khai thác xa bờ, toàn bộ tàu đi khai thác đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định là cơ quan thường trực quản lý thiết bị giám sát hành trình của ngư dân 24/24 giờ nhằm phát hiện, xử lý nhanh các trường hợp mất kết nối, vượt ranh giới khai thác cho phép. Ngoài triển khai hiệu quả việc kiểm soát tàu cá từ thiết bị giám sát hành trình, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, trong đó, thực hiện quy định thí điểm hệ thống giám sát tàu cá bằng nhật ký điện tử tại 3 DN thủy sản trong tỉnh.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, trong tháng 9 này, Sở sẽ triển khai lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá bằng nhật ký điện tử cho 100 cá của ngư dân. “Đối với nhật ký điện tử sẽ không cần ghi chép, chỉ sử dụng một số thao tác nhỏ trên thiết bị để hoàn thiện. Các cơ quan trên bờ có thể nắm bắt được số liệu tàu về cảng, biết được sản lượng chuyến khai thác của từng chiếc tàu. Trên cơ sở đó, sẽ xác nhận nguồn gốc thủy sản, đồng thời xác định được vị trí tọa độ từng con tàu, từng đợt khai thác đối với việc kiểm tra của EC và các nước”, ông Phúc thông tin.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định nỗ lực ứng dụng công nghệ số vào hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, đối với các tàu khai thác thủy sản của tỉnh Bình Định. Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã hướng dẫn, tập huấn Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, các chủ tàu cá, công ty thủy sản triển hệ thống giám sát tàu cá bằng nhật ký điện tử và sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử.
Ông Trần Đình Luân, Cục Trưởng cục Thủy Sản, Bộ NN&PTNT cho biết, việc thử nghiệm và đi vào triển khai nhật ký điện tử vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì thế, Cục Thủy sản mong có sự quyết tâm của các chủ tàu, các nghiệp đoàn nghề cá, các HTX, thuyền trưởng cùng với các chi cục và Sở NN&PTNT có thử nghiệm, từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
“Từ kết quả triển khai tại Bình Định có thể tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác, để tất cả hệ thống khai thác thủy sản có được những ứng dụng công nghệ tốt nhất, giúp truy xuất nguồn gốc minh bạch, rõ ràng và hiệu quả nhất”, ông Luân mong muốn.
Thanh Thắng/VOV-Miền Trung