Xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, do sức cầu bên ngoài giảm mạnh, đồng thời cầu trong nước cũng đang yếu đi. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của Việt Nam giảm còn 3,7% thấp hơn gần 1/2 so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sức cầu trong nước chững lại do sự giảm dần hiệu ứng xuất phát điểm thấp của giai đoạn phục hồi sau Covid và do niềm tin của người tiêu dùng đang yếu đi. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu dùng giảm chỉ còn 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, các doanh nghiệp và thị trường lao động đều chịu ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế trầm xuống. Qua khảo sát 10.000 doanh nghiệp vào tháng 4/2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, 60,1% các doanh nghiệp cho biết doanh thu bị giảm ít nhất 20% trong bốn tháng đầu năm 2023. 59,2% cho biết đơn hàng bị giảm. 71,2% cho biết phải cắt giảm ít nhất 5% lao động trong bốn tháng đầu năm. Tính trên toàn quốc, tỷ lệ tăng trưởng việc làm giảm từ 2,2% so cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 4% trước Covid.
Sức cầu bên ngoài yếu đi ảnh hưởng nặng nề đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. Xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái do kim ngạch xuất khẩu giảm đồng loạt ở các mặt hàng chế tạo chế biến chủ lực, bao gồm hàng điện tử, máy móc, dệt may và giày da, cũng như vào các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (giảm 21,3%), Liên minh Châu Âu (giảm 9,6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch nhập khẩu quý 2 giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Còn nhiều điểm sáng
Mặc dù kinh tế tăng trưởng thấp nhưng theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng để phụ hồi dần những tháng cuối năm. Nỗ lực cần phải kể đến đó là Việt Nam luôn luôn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thế mạnh ổn định về chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đang rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 7/2023 đã đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước. Còn tổng vốn FDI trong tháng 7 đạt hơn 16,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7/23 cũng có sự cải thiện nhẹ. Lĩnh vực dịch vụ phục hồi trong tháng 7 nhờ các gói kích thích tài khóa được triển khai. Du lịch vẫn là điểm sáng khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam duy trì đà tăng tích cực trong tháng 7.
Đà sụt giảm của xuất khẩu đã chậm lại tương tự như lĩnh vực công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu cũng ghi nhận sự cải thiện nhẹ trong tháng qua nhờ các đơn hàng bên ngoài phục hồi. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong tháng 7/2023 chuyển biến tích cực.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng: “Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ: Áp lực lạm phát tại các nền kinh tế phát triển giảm bớt sẽ là yếu tố củng cố niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường này trong những tháng cuối năm 2023. Do đó, chúng tôi kỳ vọng các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển. Cầu trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng tới nhờ tác động tích cực từ các chính sách kích cầu tài khóa (giảm thuế & phí, tăng lương cơ bản,...) và cho vay tiêu dùng phục hồi trong bối cảnh lãi suất giảm. Đồng thời, nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi sẽ giúp cải thiện triển vọng kinh doanh và thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng sản lượng".
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, dự báo phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Tuy có chững lại, nhưng cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững - với tốc độ tăng 6,0% so cùng kỳ, tuy có giảm nhẹ xuống dưới mức tăng trước đạt dịch là 7% so cùng kỳ vào năm 2019, đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.
Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế. Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì đó là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn./.