Con đường đến với sàn chứng khoán Mỹ
Việc niêm yết thành công trên sàn chứng khoán hàng đầu thế giới giúp cho VinFast có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn tiềm năng từ các nhà đầu tư quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu đầu tư nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, đồng thời đẩy nhanh quá trình hội nhập thị trường quốc tế, tăng thêm cơ hội sản xuất và bán xe điện ra thị trường toàn cầu. Có thể nói, sự đứng vững và thành công trên thị trường Hoa Kỳ sẽ là đòn bẩy quan trọng cho uy tín của VinFast cũng như niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng tương lai. Tuy nhiên, con đường đi không phải lúc nào cũng trải hoa hồng...
Cuối năm 2022, VinFast công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).
Đầu tháng 6/2023, VinFast bất ngờ rút đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã nộp trước đó vào tháng 12/2022 tại Mỹ. Thay vào đó, VinFast nộp đơn đăng ký mới để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ sau khi hợp nhất với Công ty Black Spade. Đây được coi là sự thay đổi quan trọng trong cách thức mà hãng xe thương hiệu Việt Nam đến với sàn chứng khoán Mỹ.
Giữa tháng 5/2023, VinFast và Black Spade Acquisition Co (Black Spade - mã chứng khoán trên sàn NYSE: BSAQ) chính thức công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Sau giao dịch, VinFast có mức định giá hơn 23 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Theo giới chuyên gia, đây là một hình thức niêm yết đặc biệt thông qua Black Spade, một doanh nghiệp SPAC (Special purpose acquisition company - Công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Đây cũng là một xu thế mà một số doanh nghiệp khởi nghiệp châu Á lựa chọn để niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ví dụ điển hình như Grab Holding cũng đã chọn cách sáp nhập với Altimeter Growth và niêm yết cổ phiếu GRAB trên sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 12/2021.
Nếu niêm yết theo kiểu truyền thống, doanh nghiệp sẽ phát hành ra công chúng và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Còn niêm yết qua SPAC, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc sáp nhập từ đó, nắm quyền sở hữu một doanh nghiệp SPAC, sau đó chuyển các cổ phiếu đang niêm yết của SPAC thành cổ phiếu của mình. Một vụ sáp nhập SPAC có thể hoàn tất chỉ trong vài tháng, ngắn hơn nhiều so với quy trình kéo dài tới hơn một năm trời để đăng ký IPO với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Và ngày 15/8, VinFast đã rung chuông ra mắt trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market, trở thành công ty niêm yết đại chúng với giá trị vốn hoá hơn 23 tỷ USD, mã giao dịch VFS. Sự kiện rung chuông trên Nasdaq diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade chỉ một ngày (14/8/2023).
Giờ đây, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hoá lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến thời điểm hiện tại.
Chiến lược giương Tây và kích Đông
Nếu như thương vụ xuất hiện trên Nasdaq của VinFast là sự kiện tốn nhiều giấy mực của báo chí lẫn sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước thì các hoạt động thâm nhập và mở rộng thị trường tại khu vực Đông Nam Á và châu Á lại diễn ra khá “lặng lẽ”.
Ngày 17/5, tại triển lãm Future Mobility Asia diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy đã công bố mục tiêu đưa các mẫu xe điện sang thị trường các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philipine. Không lâu sau đó, sự xuất hiện của những chiếc VF8 tại Ấn Độ cùng với thông tin về việc hãng xe Việt Nam đang nỗ lực phát triển một trung tâm dịch vụ kỹ thuật và tìm kiếm địa bàn xây dựng nhà máy ở Pune (Ấn Độ) đã cho thấy những tham vọng mới đang dần thành hình.
Ấn Độ được xem là thị trường đầy tiềm năng cho xe điện. Sự hấp dẫn đến từ quy mô dân số lớn thứ hai thế giới với khoảng 1,4 tỷ người. Chính phủ nước này cũng có những động thái mạnh mẽ để thúc đẩy xe điện. Người dân Ấn Độ giờ đây đang có xu hướng chuyển dịch từ xe máy xăng sang xe máy điện và sắm thêm ô tô điện.
Có thể chắc chắn rằng, không phải tây Âu hay Bắc Mỹ, chính Ấn Độ mới là thị trường số một của VinFast trong tương lai.
Nhưng những gì mà VinFast đã làm được ở Mỹ là một sự “đảm bảo vô hình” cho các chiến lược dài hạn tại châu Á - những nơi mà do các yếu tố địa chính trị đã góp phần hạn chế bớt sức ảnh hưởng quá lớn của các hãng xe điện đến từ Trung Quốc. Việc Chính phủ Ấn Độ đã từ chối sự đầu tư của BYD (hãng xe lớn của Trung Quốc) và chào đón VinFast là một dấu hiệu thuận lợi trên hành trình thâm nhập thị trường có dân số lớn thứ 2 thế giới này.
Các thị trường mới nổi ở châu Á cũng có ưu điểm ở sự “dễ tính” hơn nhiều so với thị trường châu Âu và Bắc Mỹ - nơi mà các khách hàng tuy chưa có nhiều kinh nghiệm và thói quen với xe điện nhưng lại sẵn lòng “cởi mở” với các thương hiệu mới như VinFast.
Tầm vóc của người chơi cờ
Với sự quyết đoán, tầm nhìn, chiến lược bài bản, từ con số không, chỉ sau 6 năm, VinFast đã tạo nên sự đột phá lớn trong sự phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam, điều mà chính sách bảo hộ công nghiệp ô tô trong nước đã không thể làm được suốt mấy chục năm qua. Và ngày hôm nay, VinFast tiếp tục khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam với thế giới.
6 năm là khoảng thời gian không dài với một doanh nghiệp non trẻ như VinFast, nhưng lại chứa đầy những gian nan trắc trở mà nhiều lúc, không ai tin nổi là họ có thể vượt qua. Đại dịch Covid-19 khiến cho doanh nghiệp gần như giậm chân tại chỗ trong 2 năm trời. Sự suy thoái của thị trường toàn cầu hậu đại dịch cũng khiến cho các kế hoạch tăng trưởng và phục hồi tăng trưởng bị kìm hãm. Nhưng với tất cả sự kiên định, tầm nhìn chiến lược và sự quyết đoán trong các chính sách phát triển, dường như VinFast vẫn tiến về phía trước và đạt được các kế hoạch đề ra, bất chấp mọi khó khăn.
Khi VinFast tuyên bố chấm dứt sản xuất xe xăng và chuyển sang sản xuất xe thuần điện, không ít khách hàng Việt Nam đã hoang mang, lo lắng cho tương lai. Nhưng nhìn từ góc nhìn chiến lược, sự quyết đoán thay đổi này đã mở ra cơ hội rõ ràng hơn đối với hãng xe non trẻ. Khi mà cơ hội phát triển của xe nhiên liệu đốt trong đang dần hẹp lại và xu thế điện hóa đang trở thành trào lưu toàn cầu thì sự thức thời và chuyển mình là rất cần thiết. Dễ dàng hơn với các gói vay vốn và hỗ trợ giảm thải carbon, được các chính phủ của thị trường tương lai chào đón, đó là cái giá đáng để đánh đổi khi dứt khoát đoạn tuyệt với con đường phát triển truyền thống.
Tất nhiên, không phải nhờ thế mà VinFast bớt đi sự hoài nghi từ công chúng đối với tương lai thành công của mình. Ngay cả khi đã lên sàn Nasdaq thành công, vẫn có nhiều chuyên gia tài chính đem ví dụ về sự suy thoái cổ phiếu của 2 hãng xe điện đã IPO thành công là Lucid và Rivian Automotive để cảnh báo cũng như tạo ra dư luận ngờ vực. Tất nhiên, các chuyên gia đã quên một chi tiết quan trọng rằng, tại thời điểm IPO thành công, Lucid và Rivian chưa hề sản xuất ra được một chiếc xe điện nào, trong khi xe VinFast đã tới tay các khách hàng tại Mỹ và Canada. Sự khác biệt đó là rất lớn.
VinFast cũng có lợi thế lớn về nguồn tài chính khi có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn VinGroup, đảm bảo cho doanh nghiệp không bị “đứt gánh” do cạn vốn trong quá trình xây dựng nền tảng ban đầu - điều mà không ít các statup xe điện đã gặp phải.
Sẽ là quá ảo tưởng nếu sớm mơ về một sự thành công rực rỡ như Tesla đã từng làm được, bởi Nasdaq là một sân chơi rất lớn, nơi mà thành công hay thất bại chỉ cách nhau gang tấc. Nhưng những bước đi của VinFast đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới.