Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Quyết định này khiến giới đầu tư kỳ vọng sẽ tái khởi động một dự án đã từng thu hút sự quan tâm của dư luận: xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trở thành trung tâm tài chính toàn cầu giống như Tokyo, Thượng Hải, Mumbai.
Nền tảng của trung tâm tài chính toàn cầu
Hào hứng chia sẻ về ý tưởng xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính toàn cầu, ông Don Lambert - Trưởng ban phát triển khu vực tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - phân tích: “Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá, nền tảng dân số trẻ, và trong 20 - 30 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm của các hoạt động kinh tế với vị thế ngày một quan trọng hơn không chỉ trong ASEAN mà trên toàn thế giới. Đến năm 2050, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bất kỳ nền kinh tế lớn nào cũng thường có các thành phố được coi là trung tâm tài chính chịu trách nhiệm trung gian giữa các khoản tiết kiệm và nguồn đầu tư. TPHCM sẽ có được nhiều cơ hội từ câu chuyện phát triển của Việt Nam bởi hiện TPHCM đang là trung tâm tài chính hàng đầu của Việt Nam”.
Nhìn vào những trung tâm tài chính toàn cầu thành công, có thể nhận thấy một vài đặc điểm sau đây. Trước hết là cần có các nhân viên ngân hàng, luật sư, kế toán có năng lực chuyên nghiệp và có kỹ năng tiếng Anh. Thứ hai, cần cơ sở hạ tầng vật chất, bao gồm đường xá, sân bay, internet, viễn thông và nhà ở. Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới thì cần có nguồn cung nhà ở dồi dào. Thứ ba, Việt Nam cần cơ sở hạ tầng thể chế, luật pháp, hệ thống quy định, tòa án. Thứ tư là văn hóa. Mọi người thích sống ở London, New York, nơi có không gian xanh, không khí trong lành, tiện việc đi lại. Cùng với đó là nhiều hoạt động cuối tuần vui vẻ để tham gia nếu có thời gian rảnh. Những điều này tưởng là bình thường nhưng lại là yếu tố then chốt hấp dẫn để thuyết phục ai đó rời quê hương tới điểm đến mới cách xa nửa vòng trái đất.
Và điểm cuối cùng, cũng có thể là điều quan trọng nhất, là chỗ đứng. Rất nhiều thành phố đã tuyên bố họ muốn trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, vậy điều gì có thể làm cho Việt Nam hay TPHCM trở nên khác biệt? TPHCM cần xác định nên ưu tiên lĩnh vực nào? Một đề xuất đã được đưa ra là TP HCM có thể định vị là một trong những trung tâm đầu tư ở khu vực sông Mekong. Các nhà đầu tư sẽ đến TP HCM như một cửa ngõ để đầu tư vào Lào, Myanmar và Campuchia. Tuy nhiên mục tiêu đó có thể khó khăn bởi nguồn vốn đầu tư hiện nay chủ yếu là từ Trung Quốc. Ngay cả khi nhìn vào ASEAN thì trong khu vực cũng đã sẵn có Bangkok và Singapore là những trung tâm trung gian lớn đầu tư vào các quốc gia nói trên.
Điều gì sẽ tạo nên sự độc đáo cho TPHCM?
Có thể nói Việt Nam là một trong những đầu tàu ở châu Á về xây dựng cơ sở hạ tầng trong vòng một thập kỷ qua. Hạ tầng văn hóa cũng là một thế mạnh của Việt Nam. Chuyên gia ADB từng chia sẻ: Trong số các văn phòng đại diện của ADB thì có lẽ văn phòng ở Việt Nam là nơi mà mọi người “tranh nhau” đến. TPHCM rất dễ chịu, ẩm thực, thời tiết đều tuyệt. Thành phố có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Đây thực sự là những tài sản quý giá. Nếu nhìn vào Việt Nam và câu chuyện phát triển thì đây thực sự là điểm độc đáo.
Những tiêu chí nào là “khó nhằn” hơn với Việt Nam? Đó là hai yếu tố còn lại, trước hết là phát triển đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp. Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển kỹ năng nghề, đây là một hướng đi đúng đắn. Tỷ lệ sử dụng thành thạo tiếng Anh tăng lên đáng kể. Và trở ngại cuối cùng đối với Việt Nam là xây dựng khung thể chế. Các trung tâm tài chính thành công trên thế giới có xu hướng sử dụng hệ thống luật của vương quốc Anh. Đương nhiên mỗi quốc gia có hệ thống luật tài chính riêng, tuy nhiên luật của Anh là cơ sở tài liệu chi phối hầu hết các hợp đồng, điều đó có nghĩa là luật sư, tòa án, hay thẩm phán cần nắm rõ bộ luật này. Một khó khăn nữa cho Việt Nam là xây dựng được đơn vị tiền tệ có khả năng chuyển đổi tự do hay một hệ thống tiêu chuẩn chuẩn mực cho các hạng mục lãi suất ngắn hạn. Việt Nam có nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt được những điều đó. Tựu chung lại thì khung thể chế và pháp lý có lẽ là trở ngại lớn nhất của Việt Nam. Để khắc phục nhược điểm này, chuyên gia ADB cho rằng: “Việt Nam có thể đầu tư mời các thẩm phán đã về hưu từ Anh sang đây tư vấn xây dựng một hệ thống luật được vận hành song song với hệ thống luật bản địa và vẫn đầy đủ tính pháp lý”.
TPHCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu sẽ mở ra những cơ hội gì cho Việt Nam? Trước hết, có rất nhiều công việc được trả lương hậu hĩnh tại một trung tâm tài chính toàn cầu. Những công việc lương cao đó sẽ tạo ra rất nhiều khoản thanh toán thuế và đương nhiên đem lại lợi ích cho chính phủ Việt Nam. Một lợi ích lớn hơn khác là khả năng trung gian hiệu quả giữa các khoản tiết kiệm và đầu tư. Sẽ còn tuyệt hơn nếu ở đây có một nền tài chính hiệu quả có khả năng phân bổ hợp lý và hiệu quả các khoản tiết kiệm cho các nhà đầu tư có thể sử dụng số tiền đó tốt nhất để tăng năng suất nội địa. Trong bối cảnh Việt Nam có 100 triệu dân, thì về lâu dài, việc có một trung tâm tài chính toàn cầu có khả năng trung gian hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực ngoài việc trung tâm đó có thể tạo ra 2.000 đến 3.000 việc làm lương cao.
Sẽ phải vượt qua không ít khó khăn
Theo chuyên gia, vấn đề hạ tầng thể chế là thách thức lớn nhất cho Việt Nam. “Đầu tiên, hãy bắt đầu với một khung pháp lý toàn diện. Một bộ luật về quan hệ đối tác công - tư sẽ thực sự quan trọng, giúp mang lại một khoản đầu tư trong nước cần thiết cho phát triển cơ sở hạ tầng mà tôi nghĩ đặc biệt cần thiết cho TPHCM để có cơ hội tự khẳng định mình là cửa ngõ đầu tư vào Việt Nam” - ông Don Lambert phân tích.
Cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng thị trường - hoạt động thương mại và đầu tư được thực hiện và quản lý như thế nào? Những vấn đề như tổng thời gian thanh toán thực, giao hàng so với thanh toán, và các công cụ phái sinh tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm thiểu lượng vốn các ngân hàng cần phải nắm giữ so với các ngân hàng đối tác Việt Nam. Cần xây dựng tiêu chuẩn cho các đầu mục lãi suất ngắn hạn. Đây là những cơ sở hạ tầng thị trường cần thiết để xây dựng một trung tâm tài chính toàn cầu.
Thách thức tiếp theo là chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư muốn làm việc ở một thị trường có thể dự đoán được và họ muốn dự đoán cách thức hợp tác của ngân hàng trung ương. Vì vậy, một ngân hàng trung ương hoàn toàn độc lập sẽ thực hiện những nhiệm vụ được ủy thác và các nhà đầu tư có thể dự đoán được, và nhà vậy họ có thấy tin tưởng và thoải mái khi làm việc. Sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái, sự linh hoạt của lãi suất liên ngân hàng, biện pháp kiểm soát lạm phát…đều xuất phát từ khả năng dự đoán của chính sách tiền tệ.
Cuối cùng là cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Việt Nam đã cam kết thực hiện hiệp ước hành động tài chính dựa theo các khuyến nghị về chống rửa tiền và chống khủng bố tài chính. Điều đó thực sự quan trọng bởi một số thành phố đang cố gắng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu mắc phải những sơ hở và điểm yếu trong việc theo dõi một số sai phạm tài chính.
Tại Việt Nam, trong 20 năm tới, sẽ có rất nhiều khoản đầu tư. Chính phủ Việt Nam dự kiến rằng trong kế hoạch 5 năm tới cần phải đầu tư 150 - 200 tỷ USD chỉ cho cơ sở hạ tầng. FDI đang chảy ồ ạt vào Việt Nam. Con đường để TPHCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu sẽ có thể nhiều lợi thế từ câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.
|
Trước tiên TPHCM nên tập trung làm những gì trong tầm tay như xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, cơ sở hạ tầng văn hóa, đánh giá tài năng và phát triển một hệ thống giáo dục giúp mọi người có kỹ năng phù hợp. Thứ hai là tạo ra một tầm nhìn chung. Ví dụ như nếu có một sự nhất quán cấp quốc gia về tầm nhìn xây dựng TPHCM thành một trung tâm tài chính toàn cầu thì sẽ không xảy ra những cuộc tranh cãi theo kiểu sàn giao dịch chứng khoán chính của Việt Nam nên ở thành phố nào: TPHCM hay Hà Nội? Có thể có những lý do rất chính đáng rằng cả hai ứng viên này đều phù hợp, tuy nhiên cuộc tranh luận này là tín hiệu cho thấy vẫn còn thiếu sự nhất quán ở cấp quốc gia. Cuối cùng là thành phố cần phối hợp chặt chẽ với trung ương để giải quyết những vấn đề chính quyền thành phố không thể tự mình xử lý, đó là cơ sở hạ tầng thị trường và khung pháp lý.
Vấn đề phát triển nhân sự cũng là một thách thức với TPHCM trong xây dựng trung tâm tài chính. TPHCM cần phải đầu tư chú trọng vào hệ thống giáo dục ngay từ bây giờ nếu muốn có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp trong vòng 5, 10 hoặc thậm chí 50 năm tới. Kỹ năng Tiếng Anh và toán học là rất quan trọng. Nếu Việt Nam có nhiều ngân hàng làm việc với các ngân hàng nước ngoài, thì sự hợp tác đó không chỉ để đưa dòng vốn vào các hợp đồng đầu tư, mà Việt Nam cũng sẽ học được nhiều kiến thức hơn về cách thức hoạt động của các ngân hàng quốc tế. Rất nhiều người Việt Nam làm việc trên khắp thế giới ở các trung tâm tài chính khác nhau, họ có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu thu hút được họ về TPHCM làm việc, họ sẽ mang theo những kinh nghiệm và ý tưởng đó./.