Cần 3 năm để xây dựng một trung tâm tài chính

TPHCM cần chuẩn bị đầy đủ để trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính.

 

Bài học cho chúng ta từ việc xây dựng trung tâm tài chính toàn cầu Dubai từ những năm đầu của thế kỷ 20 là con đường để trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu không hề bằng phẳng. TPHCM cần chuẩn bị đầy đủ để trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Phóng viên Báo tiếng nói Việt Nam trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính.

 

Thưa ông, cách đây ít năm, một số chuyên gia nước ngoài nêu vấn đề cần phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Đối với thực tế của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, để phát triển thành một trung tâm tài chính toàn cầu cần những điều kiện như thế nào?

Trước nhất là xây dựng hạ tầng cơ sở, cần có một cao ốc hàng trăm tầng để có thể là nơi tập trung tất cả các cơ sở kinh doanh tài chính ở đó. Trung tâm tài chính ở New York đã từng là một tòa tháp đôi khổng lồ như vậy cho đến khi bị khủng bố tấn công phá hủy. Tất cả các trung tâm tài chính tương tự trên thế giới đều ở tầm vóc như vậy, tức là ở trong những cao ốc có thể lên đến hàng trăm tầng, tại khu vực có địa thế thuận lợi nhất của thành phố. Đó còn phải là một trung tâm có thể quy tụ và hoạt động rất nhiều ngành nghề dịch vụ liên quan đến tài chính, các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tài chính, công ty bảo hiểm, sàn giao dịch chứng khoán...Tất cả những ngành nghề liên quan đến tài chính có mặt biến trung tâm tài chính đó thành một siêu thị tài chính (one-stop shopping) trong đó có tất cả những cái chúng ta cần, chẳng hạn như có thể vay tiền, mua bảo hiểm, mua xe, mua nhà hay đầu tư chứng khoán.

Điều quan trọng nhất là hệ thống tài chính của Việt Nam cần phải được cải tiến, tăng trưởng một cách mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm, tham gia hoạt động của các ngân hàng lớn, các tập đoàn tài chính lớn. Tất cả những vấn đề về luật lệ ngân hàng, các quy định về tài chính phải được cải tiến để cho giao dịch được thuận lợi, cụ thể. Chẳng hạn như vấn đề thành lập sàn mua bán nợ cho đến giờ này vẫn chưa được phát triển thì khó để phát triển trung tâm tài chính. Trong tương lai, sàn mua bán nợ phải có mặt trong trung tâm tài chính, nhưng sàn mua bán nợ chỉ thực hiện được nếu việc chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng nợ, tài chuyển nhượng tài sản thế chấp là bất động sản được thông thoáng. Thành ra luật lệ cũng phải được cải tiến để là một cấu phần quan trọng trong một trung tâm tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Chúng ta sẽ cần các điều kiện về luật pháp, về cơ sở vật chất để đáp ứng được sự phát triển của trung tâm tài chính. Vậy còn yếu tố con người để phục vụ cho hoạt động tài chính của Việt Nam liệu đã đủ đáp ứng chưa, thưa ông?

Có thể về lượng thì đủ nhưng về chất thì chưa. Một trung tâm tài chính như thế phải quy tụ nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ, dày dạn kinh nghiệm. Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ nhân viên tài chính chưa đáp ứng được các tiêu chí này. Ngay cả đội ngũ nhân viên ngân hàng vẫn được đánh giá là có chất lượng cao cấp nhất trong trong một quốc gia thì tại Việt Nam trình độ của các cán bộ ngân hàng còn rất thấp. Riêng về mặt ngoại ngữ còn dưới chuẩn. Tôi đã làm việc nhiều năm trong ngành ngân hàng và nhận thấy những giấy tờ, tài liệu, văn bản chuẩn mực có nguồn gốc từ tiếng Anh còn rất thiếu và nội dung cũng yếu. Để có nguồn nhân lực đáp ứng đủ cho một trung tâm tài chính quốc tế thì phải đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, không những là về các lĩnh vực chuyên môn như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán mà ngay cả trình độ ngoại ngữ cũng phải được nâng cao một cách nhanh chóng để đáp ứng kỳ vọng thu hút được đông khách hàng nước ngoài đến làm việc tại trung tâm tài chính.

Bên cạnh đó thì dĩ nhiên trung tâm tài chính quốc tế sẽ rất cần nhân lực có trình độ về điện toán, công nghệ thông tin (IT). Việt Nam có một lợi thế là nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin không thiếu và có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ mới, IT. Tuy nhiên, để phát triển được trung tâm tài chính thì cuyên gia của chúng ta không những phải giỏi về công nghệ mới mà còn phải hiểu biết cả về tài chính, kế toán.

Thêm một điều nữa liên quan đến nguồn nhân lực là các luật sư hành nghề tại Việt Nam về số lượng đã ít rồi mà năng lực còn chưa cao, nhất là chưa có nhiều kinh nghiệm về luật pháp quốc tế. Nếu muốn mở một trung tâm tài chính toàn cầu thì cần xây dựng đội ngũ luật sư hiểu biết và thành thạo luật pháp quốc tế, được đào tạo bài bản và ngành tư pháp có một sự cải tiến để tạo ra hành lang pháp lý đúng chuẩn mực quốc tế để có thể đáp ứng nhu cầu của một trung tâm tài chính liên quan đến luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

TPHCM có rất nhiều cơ hội để trở thành trung tâm tài chính lớn

Còn rất nhiều việc phải làm để có thể hình thành được một trung tâm tài chính quốc tế. Vậy theo ông chúng ta còn nhiều thời gian để có thể xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không? Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung so với khu vực thì có nhiều cơ hội để cạnh tranh không?

Cơ hội thì dĩ nhiên là có. Trong 40 năm vừa qua Việt Nam đã tiến một bước rất nhanh và rất dài. Các nước ở xung quanh chúng ta đều có những trung tâm tài chính rất lớn. Ví dụ phía Bắc thì có Hàn Quốc rồi Nhật Bản với những trung tâm tài chính khổng lồ, rồi đến Trung Quốc. Phía Nam thì có Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore...là những quốc gia có những trung tâm tài chính rất đồ sộ.

Về mặt thời gian, tôi nghĩ rằng một trung tâm tài chính có thể được hình thành trong vòng ba năm. Ba năm đó để chúng ta chuẩn bị hạ tầng cơ sở, đào tạo con người và đặc biệt là chuẩn bị nguồn tài chính. Trung tâm tài chính sẽ phải có nguồn ngân sách khoảng hai tỉ USD, chúng ta có thể tổ chức một dự án đầu tư thu hút cả đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân, hoặc một hình thức đầu tư hỗn hợp để có thể tổ chức trung tâm tài chính đó. Tôi nghĩ rằng các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính sẽ mặn mà có cơ hội tham gia đầu tư trung tâm tài chính. Bây giờ là lúc chúng ta cần phải nghĩ đến, vì một trung tâm tài chính là một dấu hiệu về sự trưởng thành của nền tài chính Việt Nam.

Vâng, xin cảm ơn ông.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận