Hà Nội thu hồi 5,3ha đất của dự án BT: Hàng loạt ông lớn có bị xử lý tiếp?

Hà Nội yêu cầu thu hồi gần 5,3ha đất tại dự án khu đô thị Nam đường Vành đai 3 là động thái mạnh tay sau một thời gian dài xử lý các dự án BT.

 

Xử lý các dự án BT, Hà Nội yêu cầu thu hồi gần 5,3 ha đất tại dự án khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Central Park) do Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư. Đây là động thái mạnh tay sau một thời gian dài xử lý các dự án BT.

Giá trị quỹ đất giao cho Bitexco vượt xa giá trị công trình BT

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, và UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì thu hồi 52.936m2 đất tại dự án khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Central Park), do Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư, trước ngày 15/9/2023.

Hiện trạng khu đất gần 5,3ha gồm các ô đất 8-NT, 16-NT, 1-CC, 12-CC, ô đất số 13 và ô đất số 18 thuộc dự án. Hiện trạng các lô đất đã giải phóng mặt bằng, ươm cây xanh, riêng ô đất 18 là quỹ đất 20% của dự án, có 1 trạm trộn bê tông được cấp phép phục vụ cho dự án.

Dự án The Manor Central Park 1 - Ảnh KT

Trước đó, tại Quyết định số 6889 ngày 28/11/2019, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu thu hồi gần 5,3ha đất nói trên tại dự án The Manor Center Park vì cho rằng giá trị quỹ đất giao cho Bitexco vượt xa giá trị công trình BT - đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An mà Bitexco thực hiện. Trong đó, 2,3ha là quỹ đất công cộng phải bàn giao cho thành phố và gần 3ha là quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Việc xử lý các vi phạm ở dự án BT của Hà Nội kéo dài từ năm 2020 đến nay. Hà Nội thông báo dừng triển khai thực hiện dự án PPP hợp đồng BT là theo quy định của Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT, dừng triển khai mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

82 dự án BT dừng triển khai mới xử lý phần nhỏ

Hà Nội thu hồi 5,3ha đất của dự án BT do Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư chỉ là 1 trong số 82 dự án BT Hà Nội dừng triển khai, chuyển sang đầu tư công với dự án cấp bách. Hàng loạt dự án BT của các “ông lớn” bất động sản cũng đã bị điểm tên.

Cụ thể, Hà Nội dừng triển khai có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa ký hợp đồng là: “Dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển” và dự án “Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai” với quy mô 23,1km.

11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Công ty CP Tập đoàn T&T có 3 dự án bị dừng triển khai gồm: Vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 5 kéo dài; Vành đai 4 đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và. Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Đăng và công ty CP Him Lam đều có 2 dự án bị dừng đầu tư.

82 dự án BT Hà Nội dừng triển khai, chuyển sang đầu tư công với dự án cấp bách - Ảnh: KT

Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền có 4 dự án bao gồm: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực sông Cầu Bây và nhà máy XLNT Phúc Đồng, quận Long Biên; hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải lưu vực S3, đồng thời bổ cập thải sau xử lý cho sông Tô Lịch; xây dựng nhà máy xử lý nước thải Hải Bối - Sơn Du- Cổ Loa và mạng lưới đường ống thoát nước Hải Chính…

Ngoài ra còn có dự án của các doanh nghiệp như: Công ty CP bất động sản Thái An; Công ty CP đầu tư và phát triển Hòa Bình; Tổng công ty ĐTPT Nhà và Đô thị - Bộ Quốc phòng; Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn; Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn, CapitalLand; Hateco, Công ty CP địa ốc Bách Việt; Công ty TNHH An Bình; Công ty CP tư vấn và xây dựng Phú Xuân…

Các dự án BT nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện phát triển hạ tầng nhưng khoảng trống pháp lý lại thành tạo “cơ chế” cho nhóm lợi ích làm thất thoát quỹ đất công và ngân sách Nhà nước.

Dự án BT giao đất không thông qua đấu giá công khai theo đúng quy định về đấu thầu, đã dẫn đến mất đi môi trường cạnh tranh công bằng. Theo các chuyên gia, việc thu hồi đất giao dư cho các dự án BT của Hà Nội là hoàn toàn đúng, phải làm triệt để với các dự án BT đã được rà soát đảm bảo nguồn tài nguyên quý giá này không bị thất thoát. Bitexco thành lập năm 1985 do ông Vũ Quang Hội làm Chủ tịch HĐQT, tiền thân là một công ty dệt tại Thái Bình. Sau hơn 30 năm hoạt động, doanh nghiệp trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành gồm: bất động sản, điện và sản xuất. Tập đoàn này hiện sở hữu Bitexco Financial Tower (TP.HCM), Khu đô thị The Manor (Mễ Trì, Hà Nội), khách sạn JW Marriott Hanoi và một số dự án tại Lào Cai, Huế...

Theo VOV.VN

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận