Doanh nghiệp chỉ tiếp tục được vay vốn nếu hoàn thành trả nợ đúng hạn

Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý là DN nhỏ và vừa được tiếp tục xem xét cho vay nếu đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.

 

Dự thảo Nghị định số 39 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, gọi tắt Dự thảo Nghị định số 39 sửa đổi gồm 3 Điều, trong đó:

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung tên, nội dung một số điểm, khoản tại 17 điều của Nghị định số 39/2019; Điều 2: Quy định chuyển tiếp và Điều 3: Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Mục đích ban hành Dự thảo Nghị định 39 sửa đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, hoàn thiện các nội dung về cơ cấu tổ chức, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội đồng thành viên, Giám đốc và Ban kiểm soát phù hợp với các quy định hiện hành và tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

Về cơ bản, Dự thảo Nghị định mới kế thừa những nội dung đã quy định tại Nghị định 39 năm 2019, sửa đổi những quy định chưa phù hợp, bổ sung, cập nhật nội dung dựa trên nguyên tắc vận dụng hợp lý các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự minh bạch, rõ ràng, thuận lợi trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự thảo Nghị định 39 sửa đổi đã bổ sung, sửa đổi một số quy định đối với Hội đồng thành viên và Ban kiểm soát để phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên là phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh và phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc; Các thành viên của Ban Kiểm soát không được là người lao động, quản lý Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ban kiểm soát có quy mô từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định 39 sửa đổi bổ sung thêm một số quy định về nguyên tắc cho vay trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ nếu đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn thì có thể được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ.

Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần đưa nguồn vốn tới nhiều doanh nghiệp để phát triển. Hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

Đối với các dự án tài trợ vốn, mỗi doanh nghiệp có thể được tài trợ vốn không quá 01 dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

Để phù hợp với các quy định của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định số 39 sửa đổi điều chỉnh các tiêu chí quy định cách xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị- đây là nhóm đối tượng ưu tiên được vay vốn.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và tổ chức, cá nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định 39 sửa đổi, bổ sung, dự thảo Tờ trình và gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 8/2023.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ban Kiểm soát

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách nhà nước và việc kiểm soát hoạt động cho vay rất quan trọng. Dự thảo Nghị định 39 sửa đổi có những quy định trách nhiệm cụ thể như thế nào đối với Ban kiểm soát?

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội về nội dung này:

PV: Thưa ông,ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết quy định trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát tại Dự thảo Nghị định 39 sửa đổi?

Ông Phạm Văn Hoà: Tôi thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 39 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, đặc biệt là sửa đổi những nội dung có liên quan đến hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát và trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng,Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của Hội đồng.

Việc quản lý, điều hành quỹ phải là do Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc mới đủ thẩm quyền để quản lý quỹ này. Bởi vì quỹ này là từ ngân sách Nhà nước hoặc là từ nguồn vốn được tài trợ, vốn xã hội hóa để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên việc cần thiết phải cơ cấu tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành của Quỹ.

Dự thảo Nghị định đề cao, nêu cao tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, đồng thời quy trách nhiệm rõ nếu quá trình chi phát sinh những vấn đề tiêu cực thì người đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Nghị định 39 sửa đổi cũng có đề cao vai trò, trách nhiệm của Trưởng ban kiểm soát, Ban kiểm soát. Ban kiểm soát. Tiêu chuẩn quản lý, điều hành trong quản lý của Kiểm soát viên, Trưởng ban kiểm soát được nêu trong Nghị định rất cụ thể, rõ ràng. Tôi rất thống nhất.

Một điểm rất quan trọng nữa là Kiểm soát viên, Trưởng ban kiểm soát không đồng thời là người lãnh đạo quản lý, điều hành quỹ là hết sức cần thiết. Trưởng Ban Kiểm Soát, Kiểm Soát viên hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt pháp lý khi mà Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay hoặc có những vấn đề phát sinh tiêu cực, hay những vấn đề trong hoạt động quỹ không đúng theo điều lệ, không đúng theo quy định của các lãnh đạo không đúng theo tinh thần hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định của Chính phủ, Trưởng Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát phải có trách nhiệm kiến nghị đối với những hành vi vi phạm này để làm sao trong công tác điều hành quản lý quỹ được tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng vai trò quan trọng của Trưởng ban kiểm soát trong điều hành quỹ này đó là chịu trách nhiệm về kiểm soát quỹ hoạt động cho tốt, đồng thời giám sát các hoạt động của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc là giám sát hoạt động của Giám đốc điều hành trong hoạt động cho vay của quỹ này.

PV: Dự thảo Nghị định 39 quy định, Trưởng ban Kiểm soát, kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu hoạt động cho vay sai phạm. Ông nghĩ sao về quy định này?

Ông Phạm Văn Hoà: Nếu kiểm soát viên hoặc Trưởng ban kiểm soát trong quá trình tổ chức thực hiện kiến nghị Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiến nghị Giám đốc quỹ cho vay không đúng quy định thì nếu có xảy ra vấn đề gì tiêu cực phát sinh hoặc mất vốn, trách nhiệm của người ký duyệt cho vay.

Còn nếu Trưởng ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên đồng tình với Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho doanh nghiệp vay không đúng quy định hoặc khả năng mất vốn, phải chịu trách nhiệm liên đới là cần thiết. Tôi nghĩ là đúng để làm sao phát huy vai trò, trách nhiệm rất cao của Kiểm soát viên trong hoạt động của Quỹ.

Ban kiểm soát và kiểm sát viên, Trưởng ban kiểm soát là không phải do Chủ tịch Hội đồng thành viên bổ nhiệm không phải do Giám đốc bổ nhiệm, hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt pháp lý khi kiểm tra, giám sát và kiểm soát hoạt động của quỹ .

PV: Xin cảm ơn ông!

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách nhà nước và việc kiểm soát hoạt động cho vay rất quan trọng.

Bảo lưu phương án tổ chức

Theo Dự thảo Nghị định 39 sửa đổi, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có một số điều chỉnh so với Nghị định trước. Tuy nhiên theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần giữ nguyên cơ cấu tổ chức hoạt động như thời kỳ đầu vì đem lại hiệu quả:

TS. Tô Hoài Nam: Nghị định sửa đổi 39 về hoạt động và tổ chức quỹ rất cần thiết sớm được ban hành. Hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang trong giai đoạn phục hồi, đang trong giai đoạn rất cần phải tiếp cận các nguồn tín dụng, các nguồn tài chính hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Đây chính là một công cụ quan trọng để mà Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay là thời điểm cần thiết, ý nghĩa của nó là nó sẽ tạo nên một kênh dẫn vốn thêm nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp tạo nên các cụm liên kết chuỗi rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là các khu vực doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến.

Với tư cách là cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cấp quốc gia, chúng tôi cũng tham gia nhiều lần góp ý Nghị định 39, cơ bản ý kiến của chúng tôi được tiếp thu, dự thảo Nghị định này cơ bản đã khắc phục được những hạn chế về mặt thể chế, quy định quỹ này. Tuy nhiên, dựa vào thực tiễn, chúng tôi chỉ có bảo lưu quan điểm đó là phương án tổ chức.

Chúng tôi cũng muốn tổ chức một phương án mà Hội đồng quản lý quỹ nó trở lại với ý tưởng ban đầu khi thành lập quỹ này. Vì ở cái mô hình tổ chức này, hoạt động của quỹ nó được công khai, minh bạch hơn và nó có nhiều tổ chức đại diện trong Hội đồng quản lý, qua đó thì nó phản ảnh nội dung, các tiêu chí, các điều kiện để nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận hơn.

Thứ hai nữa là nó có một tiếng nói rộng hơn, nó đầy đủ hơn và cung cấp thêm nhiều thông tin từ nhiều góc độ khác nhau của doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình doanh nghiệp và nhu cầu vốn của từng loại ngành nghề của doanh nghiệp, từng loại ngành hàng của doanh nghiệp.

***

Những quy định về điều kiện cho vay vốn trực tiếp, gián tiếp và nhận được tài trợ từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tác động như thế nào đến các doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn. Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ quan điểm:

"Chúng ta hãy rút ra bài học từ các Nghị quyết 61 của Chính phủ khi ban hành trong giai đoạn năm 2021, các doanh nghiệp được hưởng trợ cấp hỗ trợ của Nhà nước hay được hưởng các gói vay ưu đãi khi không có nợ xấu không có nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, ngay lập tức tất cả các doanh nghiệp tê liệt ngay trong giai đoạn đó. Tôi nhớ đã có khoảng 748.000 doanh nghiệp đóng cửa giải thể phá sản rồi.

Đối với ngành vận tải, trước dịch có khoảng 200 nghìn phương tiện đang hoạt động, đến bây giờ còn lại có khoảng hơn 100 nghìn xe, tại Hà Nội, trước dịch có 2 vạn xe, sau dịch còn 1 vạn 3.

Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp ta đang phải gồng lên để trả dư nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ở đây chúng ta phải đặt vấn đề, các doanh nghiệp đã gồng mình lên để lo trả nợ, thị trường thì vẫn đang vẫn có nhu cầu phương tiện, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thì cần phải có dòng tiền, nguồn tiền cho vay để tái đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nhập hàng hóa. Thế thì lại đưa ra những điều kiện nợ xấu không cho vay thì tôi cho rằng cái này càng không khả thi nữa. Tôi cho rằng là cơ quan xây dựng soạn thảo Nghị định này là quá thận trọng chắc chắn

Bộ Kế hoạch đầu tư xây dựng một Nghị định khả thi để cho các doanh nghiệp người ta tiếp cận được, chứ không thể xây dựng một Nghị định mà các doanh nghiệp có nợ xấu mà lại không được tiếp cận.

Việc tập trung vào hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm là doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị không đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

Quan điểm của chúng tôi là đã xây dựng, hỗ trợ bung ra các gói cho doanh nghiệp thế thì phải thông thoáng để cho các doanh nghiệp người ta dễ tiếp cận với nguồn vốn. Có như thế thì người ta mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội..."./.

Hải Hà/VOVgiaothong.vn

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận