Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng đang phải 'chữa bệnh thừa tiền'

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, toàn hệ thống ngân hàng thương mại đang phải "chữa bệnh thừa tiền" vì DN không muốn vay.

 

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, diễn ra ngày 7/9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ.

Hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền, ông Đào Minh Tú cho hay.

Phó Thống đốc NHNN nêu thực tế: Có nhiều doanh nghiệp không những không vay mà còn đòi trả lại tiền, vì người ta chưa có phương án kinh doanh.

Toàn hệ thống hiện còn dư địa khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng (tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị NHNN rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý… Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục thúc thẩy, giải ngân tối đa có thể.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú.Vì sao tiền ngân hàng "ế"?

Chia sẻ trên VTC News, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nêu 3 nguyên nhân chính khiến ngân hàng muốn cho vay nhưng vẫn ít khách.

Thứ nhất, thời gian gần đây ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng thực tế mới chỉ giảm hai lãi suất điều kiện, tức là lãi suất điều hành và lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể. Lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao cho nên động lực vay của các doanh nghiệp chưa có, nhu cầu vay rất hạn chế, trừ trường hợp đặc biệt.

Thứ hai, điều kiện vay cũng chưa điều chỉnh nhiều dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, bổ sung các khoản vay tín chấp, nhưng về cơ bản các điều kiện vay vẫn như thế vì bản thân các ngân hàng cũng phải lo xa khi dự báo nợ xấu đang có nguy cơ tăng lên, ngân hàng không muốn giải ngân ồ ạt.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng chưa thực sự cao và cần thiết vì các hợp đồng không có nhiều, nhất là các doanh nghiệp gia công, trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán chưa nóng.

"NHNN nhận định rất đúng về khả năng hấp thụ vốn rất thấp, nhu cầu dùng vốn chưa lớn vì các doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng giảm rất mạnh, từ 50 - 70%, nhất là các ngành về gia dày, dệt may, đồ gỗ...", TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận