Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ về cải cách thủ tục hành chính được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là hỗ trợ hiệu quả hơn hẳn các chính sách về hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bất định của kinh tế thế giới, tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong nước được dự báo còn tiếp diễn. Ðáng lưu ý là nguyên nhân của những khó khăn cho cộng đồng sản xuất, kinh doanh không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới, mà còn do những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần tăng cường hỗ trợ chính sách giúp doanh nghiệp "tránh nguy tìm cơ" trong biến động kinh tế.
Chuyên gia đánh giá, Việt Nam ở trong khu vực tăng trưởng năng động và có bước chuyển mạnh, đặc biệt là trong chuyển đổi số. Nếu biết khai thác vị trí khu vực Đông Nam Á thì sẽ có cơ hội tốt để thu hút nguồn lực về công nghệ, mở rộng thị trường, thậm chí là nguồn nhân lực để vươn lên nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: "Kinh tế toàn cầu không chỉ có gió ngược mà có cả gió thuận thúc đẩy phát triển, quan trọng là dựa vào sức để nâng cao nội lực ứng phó thay đổi… Nền kinh tế và doanh nghiệp phải tập khiêu vũ dưới mưa, hội nhập nhưng đề cao thị trường nội địa, mở cửa hoan nghênh đầu tư quốc tế cũng phải coi trọng đầu tư trong nước".
Trong xu thế phát triển hiện nay, tăng trưởng xanh là vấn đề được quan tâm đặc biệt, đòi hòi doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải, xanh hóa sản xuất và đáp ứng những yêu cầu liên quan đến xanh hóa tiêu dùng, tức tiêu dùng bền vững.
Đặc biệt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có thêm điểm cộng khi hợp tác, kinh doanh với đối tác nước ngoài, nhất là sang năm 2024, các đối tác từ Liên minh châu Âu sẽ đưa ra yêu cầu bắt buộc về phát triển bền vững trong nhiều hoạt động hợp tác, thương mại. Do đó, các vấn đề như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường… cần được tích hợp với các mục tiêu, chiến lược kinh doanh để mang lại hiệu quả về kinh tế.
PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: "Đây là sức ép để các doanh nghiệp phải thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xanh hóa. Nếu chúng ta đáp ứng được yêu cầu đấy thì có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm xanh hóa. Về dài hạn, doanh nghiệp cần đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng quản trị hiện đại, số hoá. Xu hướng xanh hoá cũng là cơ hội để doanh nghiệp tham gia, nắm bắt đầy đủ để tham gia vào thị trường châu Âu và những xu hướng về hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng, có chiến lược phù hợp".
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp đã bị bào mòn đi nhiều so với năm ngoái. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại do những khó khăn về thủ tục hành chính. Thực tế cho thấy vẫn có những rào cản mới không hề nhỏ được tạo ra, thậm chí có trường hợp bỏ thủ tục này thay bằng thủ tục khác.
Do đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: "Tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ. Đồng thời có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định như phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm CO2… theo đúng địa điểm, đúng nhu cầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật".
Cũng theo ông Phan Ðức Hiếu, tại thời điểm khó khăn này cần phải chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại và trụ vững, bởi nếu để doanh nghiệp vì quá khó khăn mà buông xuôi, phá sản, thì sau này chi phí vận hành lại sẽ rất lớn
Về giải pháp hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công tư nghiên cứu và tư vấn kinh tế - Economica Việt Nam đề nghị: "Thực thi chính sách phải tháo gỡ khó khăn hiện nay như quy định phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT và kiểm tra chuyên ngành cần làm sớm để củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, cải cách thể chế với chi phí tuân thủ tốt để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế…".
Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp trước mắt bao gồm việc cần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp cận vốn vay. Giải pháp cũng được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kiến nghị thực hiện, là đẩy mạnh đầu tư công để bơm tiền cho nền kinh tế, tập trung vào nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Trong đó chú trọng các hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã hiện hữu với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút các làn sóng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài thế hệ mới. Bên cạnh sự đồng hành của các Bộ ngành và địa phương trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nỗ lực hết mình, đoàn kết vượt khó, góp sức vào sự hồi phục kinh tế đất nước.
Tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06, trong đó bổ sung 4 nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được cho vay: Một là để gửi tiền, hai là để thanh toán góp vốn, chuyển nhượng vốn góp hoặc cổ phần của công ty chưa lên sàn chứng khoán, ba là để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư thực hiện dự án không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, và bốn là để bù đắp tài chính…
Tuy nhiên, để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 10 ngưng hiệu lực thi hành 4 nhu cầu vay vốn bị hạn chế tại thông tư 06. Thông tư 10 có hiệu lực thi hành từ tháng 9 này.
- Thông tư 06 của ngân hàng Nhà nước vẫn có nhiều quy định khác về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, thông tư 06 góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, và là cơ sở để ngân hàng thương mại triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.
Thực tế, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ, nhưng vừa làm vừa lo ngại vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Do đó, các tổ chức tín dụng rất hoan nghênh quy định này trong thông tư 06.
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư 52 năm 2023 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định 80 năm 2021 của Chính phủ. Thông tư 52 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 23/9/2023. Theo đó, mức chi quản lý các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - được thực hiện với chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo; công tác phí cho cán bộ đi công tác, khảo sát thực tế, chi phí làm thêm giờ, thuê chuyên gia thực hiện, chi phí truyền thông hoặc lựa chọn đấu thầu…
|
Trung Hiếu/VOV1