Cung cấp sản phẩm chất lượng
Nậm Khắt là xã vùng cao thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), có tổng diện tích tự nhiên 11.876,18ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 15.000ha, đất lâm nghiệp trên 7.000ha. Thời gian qua, xã Nậm Khắt luôn luôn cố gắng phấn đấu, nâng cao nhận thức cũng như hành động tổng lực để đưa địa phương sớm trở thành xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện nghèo Mù Cang Chải và đã gặt hái được những thành quả nhất định.
Xã đã triển khai có hiệu quả mô hình nâng cao chất lượng sản lượng lương thực, trong đó tích cực tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ.
Ông Thào A Phềnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: “Việc phát huy giá trị kinh tế của những cây trồng bản địa như: sơn tra, thảo quả cùng những hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, cuộc sống của cư dân nông thôn ngày càng thay đổi”.
Điển hình HTX sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải đã đưa cây cải mầm đá vào trồng thử nghiệm, đến nay đã cho thu hoạch, đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Loại rau mầm đá này vừa giòn, vừa ngọt, vừa mềm, vô cùng ngon miệng. Điều đáng nói, loại rau mầm đá sẽ ngọt hơn khi thời tiết lạnh. Mùa sinh trưởng của rau mầm đá thường rơi vào khoảng thời gian từ giữa tháng 11 tới tháng 3 năm sau.
Anh Nguyễn Hoàng Anh - GĐ HTX sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải - chia sẻ: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy khí hậu ở Mù Cang Chải rất giống với Sa Pa (Lào Cai) nên đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng dần dần thay thế rau nhập từ Trung Quốc. Sau 2 đợt sương muối và rét đậm, đến nay, toàn bộ diện tích rau cải mầm đá phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi cây rau mầm đá có trọng lượng 1,5 - 2 kg, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/ha. Chúng tôi chủ yếu xuất bán cho các trường học trên địa bàn huyện và tỉnh Sơn La, thành phố Hà Nội, với giá từ 25 - 30 ngàn đồng/kg”.
Áp dụng kỹ thuật nâng cao hiệu quả
Không những đem lại lợi nhuận mà khi HTX sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải về đầu tư sản xuất nông nghiệp tại đây còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho một bộ phận người dân bản địa. Hợp tác xã thuê lao động tại địa phương từ 8 - 10 người làm thường xuyên, đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng lên 9ha vào thời gian tới, khi đó cần 15 - 20 người liên tục với mức ngày công bình quân đạt 130 nghìn đồng/người.
Chị Hảng Thị Sú, một người dân tại xã Nậm Khắt, cho biết, kể từ khi tham gia vào HTX sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải, thu nhập của chị cao hơn so với trước đây trồng lúa 1 vụ/năm. Hiện tại, mỗi tháng cả hai vợ chồng chị được hợp tác xã trả công khoảng 9 đến 10 triệu đồng.
Ngoài việc tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, HTX cũng đã áp dụng thêm một số kỹ thuật để sản phẩm rau cải mầm đá đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất như: tăng cường bón phân chuồng; sử dụng thuốc chống nấm để ngăn ngừa bệnh cho cây; bổ sung đạm, tăng lân và kali để cây cứng cáp, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với các loại bệnh gây hại cho rau.
Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: “Bước đầu chúng tôi đánh giá mô hình trồng rau cải mầm đá mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cao hơn so với trồng lúa. Địa phương sẽ tuyên truyền cho bà con nông dân trên địa bàn áp dụng kỹ thuật, học hỏi nhà đầu tư để mở rộng thêm diện tích, tăng thêm thu nhập trên một diện tích nông nghiệp để góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
Đây là hướng đi mới, cách làm năng động, cho thấy hiệu quả bền vững trong chuyển hướng tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, mang lại giá trị cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con ở huyện vùng cao Mù Cang Chải./.