Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu và xu thế

Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu, xu thế - mọi quốc gia đều mong muốn đạt được.

 

Ở tầm vĩ mô, Thủ tướng đã thể hiện bằng những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), khẳng định mong muốn “Việt Nam đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội.

Việt Nam cố gắng triển khai tốt mục tiêu tăng trưởng xanh để vừa đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu, vừa khẳng định vai trò là một trong những quốc gia tiên phong phát triển bền vững”. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu cam kết, Thủ tướng đã ký ban hành Chiến lược xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; các ban ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch hành động, thực thi Chiến lược này. Trong đó, có nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, hiện thực hoá 4 mục tiêu cụ thể: Giảm phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: "Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Thời gian qua, khu vực doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh như năng lượng tái tạo hay đầu tư trang thiết bị phục vụ tăng trưởng xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP".

Con số thống kê cho thấy, tư duy của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI) trong đầu tư sản xuất kinh doanh “xanh” đã chuyển biến, nhưng còn chậm. Các nguyên nhân được chỉ rõ là “do nhận thức chưa đồng đều, do thiếu nguồn lực vốn và công nghệ, thiếu nhân lực thúc đẩy tiến trình xanh…

Một tín hiệu tích cực đang tới từ nhóm doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) - nhóm ngành được khẳng định có lợi thế nhất trong nỗ lực chung này - khi ước tính ICT đang chiếm 5 đến khoảng 9% tổng lượng điện năng tiêu thụ toàn cầu và phát thải khoảng 3% lượng khí nhà kính. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của ngành được dự báo sẽ còn tăng theo nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ, hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu cùng nhiều tài sản số khác.

Để hạn chế những bất cập trong tiến trình chuyển hoá xanh, đồng thời trở thành nhóm dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, với lợi thế công nghệ, vốn và nhân lực số, nhiều doanh nghiệp ICT đang tích cực đổi mới sáng tạo, như khẳng định của ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào và ông Ngô Diên Hy - Phó TGĐ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.

Việt Nam cố gắng triển khai tốt mục tiêu tăng trưởng xanh để vừa đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu, vừa khẳng định vai trò là một trong những quốc gia tiên phong phát triển bền vững”.

Theo ông Denis Brunetti: "5G sẽ đóng vai trò quan trọng không chỉ đơn thuần trong phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành năng lượng, giảm phát thải carbon, bởi vì, nền kinh tế số dựa trên kết nối, nâng cao hiệu quả kinh tế làm việc. Chúng ta đã thấy điều đó qua Covid: làm việc tại nhà mà các công ty vẫn hoạt động, phát triển - lưu lượng giao thông giảm đi, giảm được phát thải khí nhà kính ra môi trường. Về lưới điện thì 5G cũng sẽ giúp tích hợp nguồn năng lượng tái tạo mới vào lưới điện quốc gia và giúp điều khiển - cung cấp năng lượng đến đúng địa điểm".

Còn theo ông Ngô Diên Hy: "Chúng tôi đã thử nghiệm về mặt công nghệ từ cuối 2019, sẽ triển khai 5G trong năm 2023 nhưng ở 1 mức độ và quy mô dần dần tiếp cận thị trường, vì muốn đồng tốc phải ở cả 3 vấn đề: Từ nhà cung cấp dịch vụ, đối tượng người dùng và các doanh nghiệp. Phải cả 3 đối tượng đấy. Đặc biệt, thiết bị đầu cuối 5G là vấn đề hết sức quan trọng nên cần có sự phối kết hợp, lúc đó 5G mới có cơ hội bùng nổ, hỗ trợ phát triển, tăng trưởng xanh".

Thúc đẩy sản xuất xanh từ gốc - như chủ trương, nỗ lực của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông chỉ là một ví dụ, là tín hiệu tích cực cho hành trình tăng trưởng xanh nước nhà.

Trong nỗ lực chung đó, TS Phạm Thu Phương - Giảng viên Đại học Curtin, Australia, chuyên gia tăng trưởng xanh, tài chính xanh lưu ý: "Nếu sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh mà đối tượng chi trả chưa thay đổi nhận thức tiêu dùng xanh thì nỗ lực tăng trưởng cũng khó đạt như kỳ vọng. Cho nên, bên cạnh thúc đẩy thay đổi sản xuất, kinh doanh xanh, phải đồng thời quan tâm thay đổi nhận thức nhóm đối tượng quan trọng thứ 2 của tiến trình xanh hoá, đó là người dân – người tiêu dùng”.

TS Phạm Thu Phương cho biết thêm: "Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tài chính xanh là một yếu tố quan trọng, nó cũng phải đồng thời kết hợp với các giải pháp từ các ban ngành khác. Làm thế nào để các đơn vị cung cấp sản phẩm tài chính xanh sẵn lòng đầu tư nghiên cứu phát triển, nhưng cũng đồng thời phải cung cấp lợi ích và động lực thế nào để người tiêu dùng thuận tiện sử dụng. Lúc đó mới có thể phát triển. Nếu chỉ cơ quan Chính phủ cung cấp mà không ai dùng cũng là thất bại của thị trường. Phải thay đổi được cả nhận thức của người tiêu dùng".

Đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…cùng những tác động mang tính chu kỳ của tiến trình tăng trưởng-phát triển, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế với các mục tiêu “xanh”. Trong số những điều kiện cần như: Vốn, công nghệ, nhân lực, nhận thức…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định: “Chính phủ Việt Nam kiên quyết định hướng và kỳ vọng thu hút nguồn vốn xanh, công nghệ xanh, nhân lực xanh và nhận thức đổi mới sáng tạo từ cộng đồng doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ: "Thúc đẩy tăng trưởng xanh - dù đã đạt những bước tiến quan trọng, Việt Nam vẫn cần giải quyết nhiều thách thức, trong đó, sự phối hợp nguồn lực giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa khu vực công và tư, cũng như bản thân khu vực tư là then chốt. Việt Nam xác định các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế sô, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong đó, chuyển đổi số được Việt Nam coi là chìa khoá quan trọng, cộng đồng doanh nghiệp là trọng tâm thực hiện chiến lược. Bằng cách sử dụng công nghệ số, nhà sản xuất có thể tối ưu hoá quy trinh, từ đó giảm thiểu lượng chất thải, hàng tồn kho, thất thoát vận chuyển, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, phát hiện sớm và ngăn chặn các nguy cơ môi trường">.

Việt Nam đã xây dựng khoảng 13.000 tiêu chuẩn và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cùng mục đích “xanh”. Doanh nghiệp cùng người tiêu dùng vừa là c"hủ thể, vừa là đối tác - đều có thể tìm hiểu và thực hiện sản xuất, tiêu dùng bền vững đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn này.

Điều quan trọng nhất ở giai đoạn hiện tại, theo các chuyên gia, vẫn là tăng cường ý thức, trách nhiệm xã hội của tất cả các bên liên quan - vẫn là thay đổi nhận thức trước. Khi hành động xanh được thực thi từ sản xuất đến tiêu dùng, lợi thế tăng trưởng sẽ hiện hữu, tăng trưởng xanh mới có thể đạt được như kỳ vọng.

Thu Trang/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận