Gắn kết, phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau
Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Người đẹp miền cao nguyên đá, Lưu Thị Hoà đã tham gia rất nhiều các chương trình do Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức nhằm đồng hành cùng với bà con dân tộc thiểu số như cùng các anh chị em mang sản phẩm của Hà Giang đến các địa phương khác để tìm đầu mối tiêu thụ hay các cuộc giải cứu nông sản. Nhưng lòng nhiệt huyết và các mối quan hệ không đủ để giải quyết câu chuyện đầu ra cho bà con, bởi lẽ sản phẩm sản xuất còn manh mún, tự phát không theo tiêu chuẩn nào cả và sản lượng không có nhiều. Chính vì thế Hoà đã nung nấu ý định thành lập HTX với mục tiêu gắn kết bà con dân tộc thiểu số, phát huy tình đoàn kết, cùng nhau đưa nông sản vùng cao đến với những thị trường lớn hơn.
Hoà chia sẻ “Mình mong muốn kết nối để bà con nông dân có thể hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp (DN) mà không cần qua khâu trung gian nào cả. Tham khảo qua nhiều kênh mình đã lựa chọn thành lập HTX, bởi chỉ có thành lập HTX mới có thể hình thành các vùng sản xuất tập trung và bà có thể được trực tiếp, chủ động trong các khâu”.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện Hoà gặp rất nhiều trở ngại đó là sự phản đối của gia đình và không nhận được sự đồng thuận hợp tác của các hộ dân. Bởi lẽ, khi ấy Hoà mới ra trường, tuổi còn quá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên tiếng nói không có sức thuyết phục. Chỉ một vài người trong số đó đồng ý trải nghiệm cùng cô và chung tay thành lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ.
Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở hợp tác, tương trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên; đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng chung của các thành viên về kinh tế và đời sống; phục vụ hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thêm lợi ích, thu nhập cho các thành viên. “Vì thành viên phục vụ” là mục tiêu cao nhất trong hoạt động của hợp tác xã, mang lại lợi ích vật chất tinh thần cho tất cả thành viên, tập thể, cộng đồng.
Hoà hướng dẫn họ thay đổi tư duy sản xuất, tương trợ lẫn nhau và cùng nhau thống nhất phương thức và kỹ thuật canh tác. Sản phẩm làm ra đến đâu Hoà bao tiêu hết đến đó. Dự án PoMỷ farmstay, du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện vào tháng 10 năm 2017 đã bước đầu đem lại hiệu quả hình thành chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đến các tỉnh thành khác. Nhìn thấy hiệu quả đó các hộ dân đã tự kết nối xin tham gia vào HTX.
Theo kịp xu thế tiêu dùng hiện đại
Năm 2018, HTX tập trung vào nghiên cứu sản phẩm và thị trường, tích cực quảng bá sản phẩm địa phương tại nhiều nơi trong toàn quốc và bước đầu gặt hái được thành công nho nhỏ tạo động lực cho năm sau.
Năm 2019 là năm chuyển mình mở rộng quy mô cả về số lượng và chất lượng sản phẩm của HTX, công tác quảng bá sản phẩm được đẩy mạnh và gặt hái được nhiều thành công. HTX đã tiến hành trồng mới 2.000 cây ăn quả lâu năm, bao tiêu nhiều sản phẩm nông sản địa phương: hạt óc chó, rau theo mùa,…
Hiện HTX có 8 thành viên và 50 hộ liên kết. HTX bao tiêu cho bà con 3 nhóm sản phẩm gồm: mật ong bạc hà, lê và sâm đất. Sản phẩm sâm khoai của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX còn có hoạt động thương mại đó là bán phân phối sản phẩm cho các DN, HTX khác trên địa bàn tỉnh toàn tỉnh Hà Giang. HTX đứng ra sản xuất và hỗ trợ thu mua các đặc sản của người dân về sơ chế, đóng gói như thịt trâu gác bếp, thịt ba chỉ gác bếp, mận. HTX còn sản xuất các sản phẩm chế biến như phở sâm khoai Tà Lủng, bánh sâm khoai…. Doanh thu của HTX vào khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng và mở ra hướng đi để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để có được thành công, Hoà chia sẻ: “Tôi tận dụng mọi cơ hội trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường. Tôi tham gia hội chợ, tìm kiếm nhà phân phối và bán hàng trực tiếp cho khách, lắng nghe phản hồi của khách về sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Mình phải xác định được khách hàng của là ai thì mới có cách tiếp cận cho phù hợp”.
HTX đã ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý cũng như phân phối sản phẩm. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống là các gian hàng đặt tại các điểm: tổ 2 thị trấn Đồng Văn, khu du lịch nhà Vương, Hà Giang và 192 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội, Hoà còn áp dụng các kênh bán hàng hiện đại như shoppee; Lazada; Tiktock. Trong đó, cô đóng vai trò chủ đạo trong việc quay video, bán hàng. Theo Hoà, 70% sản phẩm tiêu thụ được thông qua các kênh bán hàng online này.
Chia sẻ về đinh hướng trong thời gia tới, Hoà cho biết, định hướng của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ là chế biến các sản phẩm nông sản, nâng tầm sản phẩm. Vì thế cô mong muốn mong muốn nhận được sự hỗ trợ đầu tư nghiên cứu sản xuất cũng như máy móc để có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm chế biến chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và nhu cầu tiêu dùng. HTX kiến nghị đến Sở Khoa học công nghệ Hà Giang tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện Dự án nghiên cứu chế biến đối với sản phẩm sâm khoai trong thời gian tới.
Lưu Thị Hòa đã lọt vào danh sách Short List Women of the future Awards - Giải thưởng Phụ nữ tương lai 2020, tôn vinh phụ nữ thành đạt tại các quốc gia Đông Nam Á, được chọn tham gia mạng lưới hợp tác toàn cầu của các phụ nữ tài năng đi đầu trong lĩnh vực phát triền kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị Đông Nam Á, ở hạng mục Social Entrepreneur (tháng 11/2019).
|