Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Chính phủ làm việc với 29 bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ số liệu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự kiến tình hình những tháng cuối năm trên cơ sở cam kết của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương với quyết tâm chính trị và nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo.
“Các đơn vị cần phân loại những dự án có thể tăng tốc, với các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm. Với những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi thì làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn. Riêng những dự án chưa giải ngân do nguyên nhân khách quan, chưa bảo đảm tính hiệu quả nhưng vẫn cần thiết thì xem xét phương án sử dụng một phần vốn đã phân bổ để chuẩn bị dự án mới thật tốt để triển khai trong năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương làm việc với đối tác quốc tế để thống nhất cơ chế đền bù, đơn giản hoá thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất kéo dài dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan…
Tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành và các địa phương nêu cụ thể vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số địa phương còn chậm, phát sinh nhiều vấn đề vượt thẩm quyền. Trong đó, chủ yếu vướng mắc ở nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong: Quản lý dự án, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước còn hạn chế... dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác.
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn đã giải ngân của 29 bộ, ngành, địa phương thuộc tổ công tác số 2 đạt 43,52%, cao hơn mức bình quân cả nước là 39,41%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các cơ quan trung ương, các địa phương, chủ yếu do 1 số cơ quan sử dụng vốn lớn có kết quả giải ngân cao như Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội.
Trong khi đó, các cơ quan còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt có 6 cơ quan giải ngân rất thấp, dưới 10%.
Một số bộ, ngành địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ như Bộ GD-ĐT (271,028 tỷ đồng); Bộ KHCN (53,712 tỷ đồng); Bộ LĐTB&XH (1.293,263 tỷ đồng); Bộ TNMT (312,498 tỷ đồng); Bộ TT&TT (402,968 tỷ đồng); Ban quản lý các làng văn hóa du lịch Việt Nam (83,305 tỷ đồng); Quảng Bình (81,25 tỷ đồng); Phú Yên (241,498 tỷ đồng vốn nước ngoài và 164,169 tỷ đồng vốn từ nguồn bội chi ngân sách địa phương); Khánh Hòa 304,832 tỷ đồng vốn nước ngoài…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu một số bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm, kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ với số lượng lớn phải giải trình rất rõ nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết.
Thiên Bình/VOV.VN