Tạp chí Hải quan vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến Công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai. Tọa đàm tập trung thảo luận về ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là một trong những lịch vực mà Chính phủ Việt Nam ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.
Diễn giả, khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến là ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục CNTT- Thống kê Hải quan; bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và bà Nguyễn Thị Khánh Hồng, nguyên đại diện Hải quan Việt Nam tại Tổ chức hải quan thế giới WCO và chuyên gia tại WCO.
Quyết định số 28 QĐ/TTg của TTCP phê duyệt chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, cũng đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành Hải quan số đến năm 2025. Theo đó, để tiến tới xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hải quan Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông minh của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới.
Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan, cho biết: “Những năm gần đây, HQ VN đã có nhiều hoạt động cải cách, tư động hóa, ứng dụng công nghệ, qua đó, tại điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư.
Năm 2023, Hải quan Việt Nam đã được Hải quan thế giới lựa chọn là đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị và triển lãm công nghệ của WCO tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện thường niên quan trọng nhất của Tổ chức Hải quan thế giới và cũng là hội nghị mang tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, mà trọng tâm là chuyển đổi số phân tích dữ liệu trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật. Chủ đề của hội nghị quốc tế này mang tính thời sự và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam nói chung và hải quan Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay”.
Sự kiện này sẽ thu hút sự tham gia của lãnh đạo, chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế có liên quan tới lĩnh vực hải quan, lãnh đạo, các chuyên gia của các cơ quan hải quan thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới, đặc biệt là các cơ quan hải quan của các nước phát triển.
Ngoài ra, Hội nghị cũng có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia đến từ công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực giải pháp công nghệ. Việc đăng cai tổ chức một hội nghị có tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, có vai trò và ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực hải quan.
Đặc biệt, Hội nghị cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế trên thế giới về truyền thống văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đối với Hải quan Việt Nam. Với vai trò là thành viên tích cực trong khuôn khổ Tổ chức Hải quan thế giới. Việc đăng cai tổ chức sự kiện sẽ khẳng định sự tiên phong và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển công nghệ của Hải quan toàn cầu.
Chia sẻ về việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài công nghệ trong lĩnh vực Hải quan, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan cho rằng, cách thu hút nhân lực công nghệ của cơ quan Hải quan khác các công ty công nghệ, đơn vị nghiên cứu công nghệ.
“Với thực tế quản lý hiện nay, có 2 lĩnh vực cơ quan Hải quan đang cần thu hút nhân tài về công nghệ. Đó là, lĩnh vực về quản trị dữ liệu, bởi dữ liệu là tài nguyên, tài sản quốc gia, vì vậy, quản trị dữ liệu là vô cùng quan trọng, đảm bảo thu thập dữ liệu một cách tin cậy nhất, sử dụng, quản lý hiệu quả nhất… Thứ hai, là thu hút nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu và xây dựng quy trình, mô hình dữ liệu để xây dựng thành các quy định pháp luật, quy trình thủ tục quản lý, đồng thời ứng dụng trong quản trị dữ liệu…”, ông Phạm Duyên Phương chia sẻ.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành Hải quan hiện có Trường Hải quan Việt Nam, trước khi cán bộ công chức được phân công các công tác nghiệp vụ cụ thể sẽ được đào tạo, bồi dưỡng tại đây, trong đó có đào tạo về công nghệ. Ngoài ra, khi có các công nghệ mới, ngành Hải quan cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức.
Đặc biệt, để góp phần cũng ngành Hải quan thực hiện thành công tác mục tiêu về cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong công tác nghiệp vụ luôn cần sự đồng hành, hợp tác của các công ty công nghệ.