Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm tới chuyển đổi xanh?

Theo nhận định của ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM, rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự đổi mới sáng tạo, thực sự xanh.

 

“Rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thực sự đổi mới sáng tạo, thực sự xanh”; “Doanh nghiệp không mặn mà với các chương trình/chính sách hỗ trợ do thủ tục rườm rà…” trong khi thiếu nguồn lực kinh phí và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh… đó là nhận định của ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Cùng với khuyến nghị chính sách hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng xanh, qua trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Hoa Cương cũng cho rằng, việc triển khai các giải pháp từ chính doanh nghiệp như sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần quan trọng giúp giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Netzero:

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: KT)

Thưa ông, xin được hỏi vì sao ông lại đưa ra nhận định là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ít quan tâm đến công tác chuyển đổi xanh, trong khi yêu cầu chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu?

Trong thời gian gần đây mối quan tâm của quốc tế cũng như đối với Việt Nam về câu chuyện tăng trưởng xanh, vậy thì doanh nghiệp càng ngày càng phải cố gắng làm sao để dịch chuyển quá trình sản xuất các sản phẩm của mình theo hướng xanh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi khi làm việc với rất nhiều DNNVV ở các địa phương chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề trong việc tiếp cận của các doanh nghiệp đối với khoa học công nghệ để phục vụ cho tăng trưởng xanh.

DNNVV đều có năng lực hạn chế cả về công nghệ và nhân lực lẫn câu chuyện về người tài chính. Vì vậy, cho nên kể cả ngay trong trường hợp họ tìm được công nghệ thì cũng rất khó để có thể ứng dụng công nghệ này trong quá trình sản xuất của mình. Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế hiện nay đang có rất nhiều khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới. Vì vậy, họ cũng không thể nào có được nguồn lực hay thị trường, nguồn lợi đem lại để có thể tái đầu tư vào các vấn đề về khoa học công nghệ.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp mà công việc kinh doanh tương đối ổn thì ý thức của họ trong việc làm sao để sử dụng và áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất của mình có lẽ là chưa thực sự thật tốt. Trong suốt quá trình đi thăm, chúng tôi thấy rất ít các DNNVV thực sự đổi mới sáng tạo và thực sự xanh.

Cụ thể qua khảo sát thực tế của ông thì kết quả như thế nào và đâu là nguyên do?

Tôi nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta nói chung có ý thức tương đối tốt về câu chuyện cần phải có sự chuyển đổi tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, việc làm được hay không rõ ràng phụ thuộc rất nhiều tiềm năng, nguồn lực của bản thân doanh nghiệp.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam thì có rất nhiều sáng kiến về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Điều này rất đáng khích lệ. Bởi vì như vậy, có thể thấy rằng các doanh nghiệp đã sớm nhận thức, chuyển đổi để bắt kịp các yêu cầu của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì quá trình này rất khó khăn. Ví dụ năm ngoái chúng tôi khảo sát liên quan đến mô hình kinh doanh tuần hoàn thì phần lớn các doanh nghiệp rơi vào trường hợp hơi hơi biết, hoặc biết vừa vừa, biết kỹ quá thì cũng rất ít, mà không biết thì cũng rất ít.

Như vậy, có thể thấy rằng phần đông bộ phận doanh nghiệp Việt Nam chúng ta đều có thông tin, nhận thức. Tuy nhiên để hiểu biết về nhận thức rõ hay chưa và đặc biệt là có tiềm năng để áp dụng đối với việc thay đổi này trong thực tế hay không thì rõ ràng một câu trả lời không dễ.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng đấy là tất cả các bên liên quan cần phải có những hành động phù hợp. Ví dụ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì cần phải có chính sách, có nguồn lực, đặc biệt làm sao cho việc thực hiện, triển khai chính sách này hiệu quả trong thực tế.

Thứ hai, cũng cần có sự tham gia của các tập đoàn lớn, kể cả doanh nghiệp lớn Việt Nam trong việc đóng vai trò giống như doanh nghiệp dẫn đầu trong chuỗi giá trị để có thể hỗ trợ thêm các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Thứ ba, bản thân thị trường khoa học công nghệ về tăng trưởng xanh cần phải làm sao để cho có các sản phẩm khác nhau. Ví dụ như sản phẩm quy mô cao cấp là dành cho các tập đoàn lớn, nhưng cũng phải có sản phẩm quy mô nhỏ, với giá thành rẻ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ họ tiếp cận được dễ dàng hơn.

Có nhiều doanh nghiệp rất ngần ngại trong việc là đối tượng của chương trình hỗ trợ sử dụng ngân sách. (Ảnh minh họa)

Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì, thưa ông?

Rõ ràng là về phía bản thân các doanh nghiệp thì vấn đề đặt ra rất là lớn - làm sao để phải thay đổi nhận thức, hoặc làm sao để có được nguồn lực để có thể đầu tư vào khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp thì chúng tôi cũng nhận thấy rằng cũng có rất nhiều vấn đề.

Đầu tiên là rất nhiều địa phương gặp phải vấn đề ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp rất hạn chế. Trong điều kiện ngân sách chung thì điều này cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn đấy là vấn đề là ngay cả trong vấn đề ngân sách thì việc mà các chính sách cho chương trình hỗ trợ chưa được xây dựng một cách thân thiện đối với doanh nghiệp cũng cản trở việc tiếp cận của doanh nghiệp về các chương trình này.

Có rất nhiều chương trình hỗ trợ nhưng bản thân doanh nghiệp khi họ tìm kiếm thông tin về chương trình hỗ trợ này lại rất khó tìm. Và ngay cả khi tìm được thì phải làm thế nào để có thể đáp ứng được các điều kiện là đối tượng hỗ trợ thì cũng rất khó. Và ngay cả trong trường hợp dường như họ là đối tượng hỗ trợ đấy thì các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ trong việc hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán cũng gây trở ngại rất nhiều.

Qua phản ánh của địa phương thì họ nói rằng, có nhiều doanh nghiệp rất ngần ngại trong việc là đối tượng của chương trình hỗ trợ sử dụng ngân sách. Bởi vì, nguồn ngân sách hỗ trợ cũng không nhiều, nhưng điều kiện liên quan câu chuyện này là các thủ tục thanh toán, thủ tục để đáp ứng yêu cầu của quản lý Nhà nước rất là phức tạp.

Vì vậy, đối với bản thân doanh nghiệp, họ đã không có người để thực hiện các vấn đề này, họ lại phải tốn thêm nguồn lực, nhân lực, tốn công sức để hoàn thiện các thủ tục, nên các doanh nghiệp cảm thấy rất ngại ngần...

Qua đó cho thấy chúng ta cũng phải xem lại. Một mặt chúng ta xem lại từ phía cầu - doanh nghiệp; một mặt phải xem lại phía cung - cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, thiết kế và triển khai các chính sách. Liệu các chính sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hay chưa? Rõ ràng là vấn đề này cũng cần được xem xét.

Như vậy có thể thấy ý thức chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là có, vấn đề là nguồn lực để thực hiện. Vậy theo ông đâu là các cơ hội và khả năng để hiện thực hoá các tiềm năng chuyển đổi xanh của DNNVV trong bối cảnh hiện nay?

Trong quá trình chuyển đổi về tăng trưởng xanh đối với các ngành nói chung và tôi nghĩ bao gồm cả câu chuyện liên quan đến tiết kiệm năng lượng thì doanh nghiệp Việt Nam chúng ta có rất nhiều cách để có thể tiếp cận thông tin.

Thứ nhất, chúng ta đều thấy xu hướng năng lượng trên thế giới bây giờ đang dịch chuyển dần theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tập trung nhiều vào các nguồn năng lượng mới hơn, bao gồm: Năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, điện mặt trời, và có rất nhiều tiềm năng cho các nguồn năng lượng mới bao gồm hidrogen... Hay là một số công nghệ chúng ta thấy ví dụ các công nghệ pin được sử dụng cho các phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện…

Thứ hai, chúng ta nhìn thấy rất nhiều các công cụ tài chính hiện tại thế giới đang sử dụng bao gồm tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hoặc các chương trình mua sắm công xanh... Thì đây cũng là công cụ chính sách rất hợp lý để làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung để có thể tham gia sâu hơn với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ hay là từ phía các tổ chức quốc tế.

Thứ ba, tôi nghĩ bản thân các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ họ cũng sẽ nhìn nhận là vấn đề liên quan đến vấn đề năng lượng sẽ là một trong những ưu tiên, các ngành ưu tiên để có thể tập trung trong thời gian tới. Bởi vì rõ ràng là chúng ta nhu cầu sử dụng năng lượng rất nhiều. Rõ ràng là câu chuyện hiệu quả năng lượng, các kinh phí chi phí liên quan đến việc sử dụng năng lượng chiếm một phần rất lớn trong tổng tỷ trọng của các hoạt động của doanh nghiệp.

Vì vậy rõ ràng là một ví dụ như là phát minh mới hay một sáng tạo về tiết kiệm năng lượng cũng sẽ đem lại lợi ích rất to lớn cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận