Ngành gỗ năm 2019: Đối mặt với nhiều thách thức

  • 12/03/2019 03:00:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Việt Nam đạt kỷ lục 9,3 tỷ USD về xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2018. Tuy vậy, ngành gỗ và chế biến lâm sản đang đối mặt với nhiều thách thức.

 

Thách thức lớn

Năm 2019 được đánh giá là năm mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam tăng trưởng. Một loạt các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) cùng nhiều hiệp định trong khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) được ký kết đã xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, tạo uy tín quốc tế cho sản phẩm gỗ Việt Nam.

Mặc dù vậy, ngành chế biến gỗ nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó “nút thắt” lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu, phần lớn nguyên liệu gỗ đều từ nhập khẩu. Thống kê sản lượng nguồn gỗ rừng trồng trong nước khai thác hằng năm hiện khoảng 20 triệu m3, trong đó có khoảng 80% là gỗ có đường kính nhỏ được sử dụng làm nguyên liệu. Phần còn lại 20% được sử dụng sản xuất các sản phẩm đồ gỗ chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Chất lượng gỗ nguyên liệu thấp, đường kính nhỏ; gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ chưa cao; sản phẩm xuất khẩu thô có giá trị thấp còn nhiều.

Ngành chế biến gỗ nhiều cơ hội bứt phá năm 2019. Ảnh: Trube

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân là sự thiếu hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng. Ông Đỗ Xuân Lập, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Tiến Đạt lại cho rằng, nguyên nhân của chất lượng gỗ không cao, hiệu quả trồng rừng thấp là do quỹ đất trồng rừng cơ bản giao cho các hộ nhỏ lẻ; rừng phát triển theo kiểu da báo (thiếu vùng chuyên canh). Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần WOODLAND, các nước áp dụng chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng nên thương lái trong nước thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô dẫn tới cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, ngành chế biến gỗ còn gặp vô vàn trở ngại khác, đó là: vật liệu phụ trợ vẫn chủ yếu nhập khẩu nên giá thành cao; Qui mô của doanh nghiệp Việt Nam đại bộ phận là nhỏ và vừa (không cung ứng được những đơn hàng lớn); Kỹ thuật và công nghệ chỉ phù hợp cho sản xuất hàng nhỏ - lẻ (không có tính chuyên môn hóa cao); Hệ thống quản trị - tư duy theo lối chưa đổi mới, trình độ quản lý theo dạng “dao pha” chung chung thiếu chuyên nghiệp, chưa cụ thể hóa đầy đủ các giải pháp tối ưu ở các công đoạn sản xuất, áp dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản trị mới ở mức độ thấp; cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất dẫn đến năng suất lao động thấp, chỉ khoảng 20.000 USD/năm/người...

Cần giải pháp đồng bộ

Trước những thách thức, ngành gỗ cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, xây dựng độ ổn định và bền vững về nguồn cung ứng nguyên liệu và môi trường, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng thiết kế mẫu phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Ngành chế biến gỗ có đạt được kỳ vọng?. Ảnh: Nguyễn Thắng - Báo Chính Phủ

Ông Đỗ Xuân Lập, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Tiến Đạt, đưa ra hai giải pháp, đó là nâng cao năng lực quản trị nội bộ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến lược xây dựng nguồn nguyên liệu. Theo ông, các doanh nghiệp phải đổi mới để đạt chuẩn với một số nội dung cơ bản, đó là: Nâng cao năng suất lao động, sản xuất với chuyên môn hóa cao; Xây dựng chính sách và sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững; Xây dựng năng lực cung ứng đủ mạnh, thực hiện kế hoạch giao hàng chuẩn xác; Đạt chuẩn về an toàn lao động, xã hội, môi trường; Chất lượng phải ngang bằng với các nước tiên tiến; Nâng tầm quản trị doanh nghiệp lên một tầng mới, thay đổi tác phong của người lao động và tư duy của người quản lý...

Liên quan nguồn nguyên liệu, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ chế biến gỗ và thị hiếu của người tiêu dùng. Theo ông Đỗ Xuân Lập, phải xây dựng chợ gỗ chuyên nghiệp tạo nguồn cung dồi dào hỗ trợ dài hạn cho việc phát triển rừng, đặc biệt có thể đóng cửa để phát triển rừng, khuyến khích nhập khẩu lâm sản hợp pháp.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần WOODLAND kiến nghị: Giảm tải các chi phí bất hợp lý còn tồn đọng trong các khâu thuộc chuỗi cung ứng; giảm thiểu xuất siêu nguyên liệu gỗ thô, bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế và kiểm soát việc thực hiện. Ngoài ra, bà Tuyết kiến nghị với Chính phủ áp dụng các ưu đãi về mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành lâm nghiệp tương tự như với ngành nông nghiệp và thủy sản. Hy vọng với rất nhiều giải pháp, ngành chế biến gỗ sẽ bứt phá thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng ngành chế biến gỗ tiếp tục bứt phá trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Kim ngạch xuất khẩu không chỉ đạt 11 tỷ USD trong năm 2019 mà phải đạt ở mức cao hơn, phấn đấu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận