Nơi làm “tổ của đại bàng”
Công nghiệp chip bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo dự đoán, thị trường chip bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, cụ thể năm 2022 khoảng hơn 600 tỉ USD, dự báo sẽ đạt 1.400 tỉ USD vào năm 2030. Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng và đang đứng trước cơ hội lớn để có thể trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu.
Chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á” về sự phát triển cũng như dự báo triển vọng thị trường bán dẫn, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao nghiên cứu thị trường của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho biết, với mức tăng trưởng kép trong những năm tới sẽ góp phần thúc đẩy doanh số của ngành bán dẫn toàn cầu dự báo đạt 1000 tỷ USD vào những năm 2030. Dự báo đầu năm 2030 toàn bộ thị trường bán dẫn trong ô tô sẽ đạt hơn 300 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng doanh số. Hiện nay đang có những xu hướng thay đổi, dịch chuyển và có các nhà máy, doanh nghiệp trong ngành bán dẫn đã đến Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng cơ hội trở thành một trong những trung tâm có sự tăng trưởng mạnh.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT:
Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần nhân lực, thu hút đầu tư và có ‘thảm đỏ’ - cơ chế chính sách cho ngành phát triển. FPT mỗi năm có 6000-7.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Để họ có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT có thể bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng. Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng. FPT dự kiến ban đầu là đặt mục tiêu 10.000 người sau có thể 20-30.000 người mỗi năm phục vụ ngành vi mạch bán dẫn. Bên cạnh nhân lực, thu hút đầu tư là việc quan trọng cần phải làm. Bài học của tôi là đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới, kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng như Intel trước đó. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng vì ‘trâu ăn theo đàn’ là tâm lý chung của tập đoàn nước ngoài.
|
Còn bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI SEA chia sẻ, theo nghiên cứu mới đây, dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt khoảng 6,12% trong giai đoạn 2022 - 2027 dẫn đến quy mô thị trường được mở rộng lên khoảng 1,65 tỷ USD, đồng thời có sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này minh chứng về khả năng và tiềm năng trở thành đối tác, tác nhân quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cũng như khu vực.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định về cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế- kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quy mô của thị trường chip toàn cầu năm 2022 khoảng hơn 600 tỉ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỉ USD. Cơ hội dành cho Việt Nam trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn. Đặc biệt là việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ có chiến lược hợp tác bán dẫn với Việt Nam thời gian qua, là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ngành này trong tương lai.
Điều này được thể hiện qua việc các tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Nếu như năm 2006, Intel là tập đoàn công nghệ đầu tiên vào Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu… thì 10 năm sau, đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực điện tử vi mạch như Tập đoàn Intel, Jabil, Sonion, Datalogic, GES... tại Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) hay các tập đoàn Microchip, Renesas, Applied Micro (AMCC), Marvell, Arrive Technologies, eSilicon, Sigma Designs, Uniquify... có mặt tại Việt Nam.
Như vậy có thể khẳng định, Việt Nam là nơi đầu tư hấp dẫn của các “gã khổng lồ” về công nghiệp chip bán dẫn. Với sự có mặt của các “gã khổng lồ” này, kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc và tham gia sâu hơn vào các công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất chip bán dẫn.
Làm thế nào để tận dụng được cơ hội?
Đa số chip xuất khẩu hiện nay tại Việt Nam là của các doanh nghiệp FDI như Samsung, Intel, Foxconn... chi phối. Doanh nghiệp Việt rất khó tham gia hoặc mức độ tham gia rất thấp và chủ yếu chỉ tham gia lắp ráp. Để làm ra một con chip, có ba khâu cơ bản gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Việt Nam hiện mới chỉ tham gia ở khâu đóng gói cuối cùng trước khi chip được đưa ra thị trường. Đây cũng là khâu chiếm tỷ lệ giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ SIA, đóng gói chiếm khoảng 6% giá trị trong chip, trong khi hơn 53% nằm ở khâu thiết kế, 24% ở khâu sản xuất. Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Nhìn lại, cách đây 44 năm trước, Việt Nam từng có nhà máy sản xuất linh kiện là nhà máy bán dẫn Z181. Tuy nhiên, khi Z181 dừng sản xuất đầu những năm 90 thế kỷ trước, đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nhà máy sản xuất bán dẫn đúng nghĩa.
Ngành bán dẫn Việt Nam manh nha trở lại vào những năm cuối 1990. Giai đoạn 2004-2005, Việt Nam tham gia sâu hơn vào mảng thiết kế chip, với sự xuất hiện của một số công ty nước ngoài mở văn phòng thiết kế trong nước như RVC, Active Semi, cùng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC).
Đến năm 2022, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT) - đã ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, đến nay FPT đã có 70 triệu con chip được đặt hàng bởi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. “Những con chip mà chúng tôi phát triển là 100%. Khi trở thành trung tâm chip của thế giới thì công việc của chúng ta là bạt ngàn. Trước kia chúng ta làm phần mềm phải ra nước ngoài thì nay sản xuất chip ngay ở trong nước”.
Amkor Technology, Inc. - nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ, đã khai trương nhà máy mới tại Bắc Ninh vào ngày 11/10/2023. Nhà máy bán dẫn Amkor là một trong những nhà máy quy mô lớn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu với tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD. Giai đoạn đầu nhà máy sẽ tập trung vào sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn cho các công ty sản xuất điện tử và vật liệu bán dẫn hàng đầu thế giới.
|
Dự báo, ngành bán dẫn sẽ còn chuyển biến nhanh và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam và chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ.
Song, để nắm bắt được cơ hội này, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chuyên gia cho rằng, nhân lực bán dẫn là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng chip. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, tuy nhiên thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta hiện có khoảng 5.000 kỹ sư trong lĩnh vực này trong khi ngành đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đồng thời, tăng cường đầu tư các phòng nghiên cứu, phát triển về vi mạch bán dẫn tại các trường đại học để đào tạo, nghiên cứu… Đặc biệt, Việt Nam cần đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Phải có các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng lab tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chip bán dẫn.
Thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài. Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam. Với sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, có những chính sách, giải pháp kỳ vọng Việt Nam nắm được cơ hội tốt đang có của ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Ưu tiên triển khai các chương trình nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chính sách về đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị cho đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo tiêu chuẩn góp phần rút ngắn thời gian kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như giảm giá thành kinh phí khi phải gửi sản phẩm ra nước ngoài.
|