Nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tỷ lệ nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua.

 

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phát hành bản tin nợ công số 16 của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. Tính đến hết năm 2022, nợ công tương đương 37,4% GDP. So với GDP, nợ nước ngoài tính đến hết năm 2022 khoảng 36,1% GDP.

Tính đến hết năm 2022, nợ Chính phủ giảm còn khoảng 3,25 triệu tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 30.000 tỷ đồng so với báo cáo trước đó vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Trong đó, nợ vay nước ngoài cuối năm 2022 gần 975.000 tỷ đồng (giảm khoảng 22.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2022) và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018 - 2022, từ mức đỉnh 1,136 triệu tỷ đồng (năm 2020) xuống gần 975.000, với mức giảm tương ứng trên 160.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. (Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính)

Trong khi đó, vay trong nước tăng lên hơn 2,27 triệu tỷ đồng (tăng hơn 52.000 tỷ đồng), chiếm khoảng 70% dư nợ Chính phủ.

Tính riêng tổng trả nợ trong kỳ đạt 316.000 tỷ đồng, gồm 214.000 tỷ đồng để trả nợ gốc và hơn 105.000 tỷ đồng để trả lãi và phí.

Phân theo từng bên cho vay, “chủ nợ” song phương lớn nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản với gần 400.000 tỷ đồng (giảm khoảng 78.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2022). Tiếp đó là, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 27.500 tỷ đồng; 26.700 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng.

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đứng đầu danh sách chủ nợ với trên 354.000 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 182.000 tỷ đồng...

(Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính)Dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 298.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ nước ngoài khoảng 143.000 tỷ đồng; nợ trong nước gần 155.000 tỷ đồng. Tổng trả nợ trong kỳ đạt 59.000 tỷ đồng, gồm 44.600 tỷ đồng trả nợ gốc và hơn 14.500 tỷ đồng trả lãi và phí.

Dư nợ của chính quyền địa phương khoảng 53.000 tỷ đồng. Về xu hướng, sau khi giảm vào năm 2019, nợ chính quyền địa phương có dấu hiệu tăng trở lại. Tổng trả nợ trong kỳ đạt trên 4.000 tỷ đồng, gồm hơn 3.000 tỷ đồng trả nợ gốc và khoảng gần 1.000 tỷ đồng trả lãi và phí.

(Nguồn: Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính)Như vậy, dư nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2022 đạt khoảng 3,6 triệu tỷ đồng; tổng trả nợ trong kỳ khoảng 380.000 tỷ đồng. Xét trong giai đoạn 2018 - 2022, nợ công Việt Năm tăng khoảng 350.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ đang có xu hướng giảm tới 160.000 tỷ đồng so với mức đỉnh giai đoạn 2018 - 2022 thì nợ nước ngoài của doanh nghiệp lại có xu hướng tăng. Cuối năm 2022, dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp lên mức 2,455 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 167.000 tỷ đồng so với giữa năm 2022 và tăng tới 975.000 tỷ đồng so với mức “đáy” năm 2018 chỉ là 1,48 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 66%.

Trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, tỷ trọng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng mạnh lên 71,6% cuối năm 2022 so với mức 58% cuối năm 2018 và cao hơn so với con số đưa ra cuối tháng 6/2022 (69,6%).

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận