Mặc dù được đánh giá phù hợp với kinh tế Việt Nam nhưng hình thức BT thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, có thể phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên Báo VOV với Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam.
Thưa ông, các dự án BT được cho là phù hợp với kinh tế Việt Nam nhưng lại bộc lộ nhiều hạn chế, có thể phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, theo ông lý do vì sao?
Đổi đất lấy hạ tầng được coi là phương án tích cực giải quyết vấn đề hạ tầng. Song hình thức BT thời gian vừa qua bộc lộ nhiều bất cập... Cách làm BT của Việt Nam không hợp lý vì BT ở Việt Nam là “hàng đổi hàng” và Nhà nước chịu 2 lần bất lợi vì có đến 2 lần không minh bạch. Thứ nhất, những dự án theo hình thức BT thường không chặt chẽ. Nhà thầu BT thường có không gian lớn, hay như người ta thường nói là có khả năng đội giá công trình. Việc đội giá này được chủ đầu tư sử dụng thông qua trường hợp kéo dài thời gian thực hiện và hàng loạt điều chỉnh vì những lý do khách quan hay “lỗi” của Nhà nước. Khi kéo dài thời gian, chủ đầu tư được lợi và họ sẽ đổ lỗi cho khách quan vì trong hợp đồng BT thường có cam kết như đền bù giải tỏa hay phần vốn của các bên... Và thường Nhà nước ít khi thực hiện được đầy đủ các cam kết. Khi cam kết không được thực hiện đầy đủ thì quyền thương lượng của chủ đầu tư BT tăng lên.
Còn thứ 2 là định giá đất không rõ ràng, không minh bạch. Việc đổi đất lấy hạ tầng xuất hiện rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, đặc biệt là việc định giá các tài sản công, trong đó có đất đai, quyền sử dụng đất. Đất đai được định giá rất rẻ và đằng sau có thể có sự móc ngoặc, ăn chia giữa các nhóm lợi ích. Nguyên tắc đổi đất lấy hạ tầng thì mảnh đất phải gắn liền với hạ tầng còn tại Việt Nam, thì đổi đất lấy hạ tầng theo kiểu đất một đường, hạ tầng một nẻo. BT gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc thi hành và đặc biệt trong việc xác định giá đất, thời điểm tính giá đất. Bởi khả năng định giá đất của Nhà nước là rất thấp. Ngay cả người có năng lực cũng không có động cơ định giá đúng vì nếu định giá thấp họ sẽ được lợi rất nhiều và ai cũng hiểu điều đó. Quá nhiều DN chỉ chăm chú dự án BT để đổi lấy các khu đất “đắc địa” và thu lợi... vàng ròng. Nhiều địa phương đã bị mất hết đất “vàng” vì BT. BT tạo không gian rất lớn cho lợi ích nhóm và tham nhũng.
Vậy theo ông, giải pháp nào để không cần lấy “hàng đổi hàng” nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam trong giai đoạn này?
Hiện Việt Nam có rất ít công trình áp dụng mô hình BT thành công. Dự án BT được đánh giá thành công nhất ở Việt Nam là dự án Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn giúp ngân sách thu về trên 1 tỷ USD nhưng thực tế chỉ thành công được hơn 400ha trong tổng diện tích 2600ha toàn khu vực. Đó là một thành công khá khiêm tốn. Quan điểm của tôi là không nên đổi đất lấy hạ tầng, hạn chế hình thức “hàng đổi hàng”. Chỉ những dự án BT có công trình gắn trực tiếp với quỹ đất đổi hạ tầng, thành công của mảnh đất gắn liền với thành công của hạ tầng mới nên làm BT. Còn đất một nơi công trình BT một nẻo không nên đầu tư theo BT. Theo tôi, nên chia ra thực hiện thành hai quá trình. Đất phải đem đi đấu giá. Còn hạ tầng thì lấy tiền đấu giá đất để xây. Về bản chất, Nhà nước vẫn lấy vốn ngân sách để làm đường nhưng cách làm này sẽ hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Chứ đầu tư theo hình thức BT như cách Việt Nam đang thực hiện thì rất không minh bạch, tạo ra nhiều hệ lụy. Chính quyền không nên vội vã làm dự án BT khi chưa có quỹ đất sạch.
Xin cảm ơn ông!