Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn

Thành lập hợp tác xã (HTX), nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, là định hướng phát triển bền vững bước đầu đem lại thành công cho nông dân trẻ Ngô Đình Tuấn tại xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hoá.

 

Giàu lên nhờ lợn rừng

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Chu trình khép kín này giúp quản lý và tái tạo tài nguyên, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm. Đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Với mong muốn này, từ năm 2017 chàng trai trẻ Ngô Đình Tuấn (sinh năm 1993) đã mạnh đầu tư vốn liếng công sức quyết tâm khởi nghiệp bằng việc thuê đất, trồng cây, đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Sau gần 6 năm gây dựng, đến nay, trang trại của Tuấn đã trở thành một trong những trang trại điển hình nhiều người đến tham quan học hỏi. Trên diện tích 3ha, hệ thống nuôi trồng được quy hoạch rất bài bản, với hai khu chăn nuôi mỗi khu rộng chừng 600 m2. Trang trại được phủ xanh bởi rất nhiều loại cây ăn quả đã cho thu hoạch nhiều vụ như bưởi, mít, bơ na…và của bạt ngàn cỏ, ngô được trồng làm thức ăn chính cho vật nuôi. Toàn bộ tưới tiêu của trang trại được cung cấp bởi nguồn nước từ ao cá.

Tuấn chia sẻ: “Tôi tận dụng tối đa nguồn lực như cỏ, ngô và các loại trái cây hỏng, dư thừa được làm thức ăn nuôi lợn. Ngược lại nguồn phân từ nuôi lợn sử dụng để bón cho các loại cây. Ao cá tưới nước cho cây và giúp cân bằng cho môi trường. Ngoài thu nhập chính từ nuôi lợn rừng khoảng 1 tỷ đồng/ năm thì thu nhập từ cây ăn quả khoảng 200 triệu. Đó là cây đến thời điểm này mới cho thu hoạch khoảng 20 đến 25% năng suất”.

Điều đó đã tạo nên sự đặc biệt ở trang trại của Tuấn, đó là lợn rừng là giống lợn thuần chủng cao cấp, thân lợn thon, mõm dài cho chất lượng thịt thơm ngon da dầy, ít mỡ và được nuôi theo hướng hữu cơ, không sử dụng thêm bất kỳ loại thức ăn công nghiệp nào. Cây trồng cũng như vậy, không sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.

Kể về hành trình đeo đuổi làm nông nghiệp, Tuấn cho biết bản thân đam mê nông nghiệp từ ngày còn nhỏ. Không được bố mẹ ủng hộ nên Tuấn theo học Đại học Công nghiệp, rồi sau đi làm tại nhà máy Nokia, Microsoft… Tích cop được ít vốn năm 2016 Tuấn mua lợn rừng về cho bố mẹ nuôi. Ý định của chàng trai trẻ này là lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, do không chuyên tâm và bố mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm nên không đạt được hiệu quả. Thế là năm 2017 Tuấn bỏ phố về quê quyết tâm gây dựng sự nghiệp.

Tuấn tâm sự: “Trong thời gian học đại học, tranh thủ thời gian rảnh rỗi tôi đã lang thang thăm rất nhiều các mô hình khắp mọi miền. Tôi nhận thấy đã làm việc gì cần chuyên tâm dồn công sức vào đó mới mong có được kết quả tốt”.

Đa dạng vật nuôi

Cũng như bao bạn trẻ khởi nghiệp khác, chỉ đam mê, nhiệt huyết chưa đủ. Lứa lợn đầu tiên Tuấn thất bại do không chọn được giống chuẩn nên những con lợn sinh sản ra đã không đạt được chất lượng như mong muốn. Để có được những con lợn đầu dòng, theo lời giới thiệu từ bạn bè và thông tin có được trên mạng, Tuấn đã lặn lội tìm đến tận nơi để tìm hiểu và thuyết phục người dân bán cho mình. Nhờ đó đến nay trang trại của Tuấn có được 30 lái và mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn con lợn giống chất lượng.

Nhận thấy việc sản xuất nhỏ lẻ không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Tuấn muốn mở rộng để cung cấp cả sản phẩm lợn thịt chứ không chỉ lợn giống như hiện tại nên Tuấn đã thành lập HTX với 7 thành viên. Hiện 7 thành viên đó cũng đang sở hữu 30 con lợn lái.

Ngô Đình Tuấn phát triển đưa ra thị trường đa dạng giống vật nuôi .“Trên thị trường dòng lợn cao cấp như trang trại đang nuôi nhu cầu cao. Tôi muốn đẩy mạnh thêm cho các hộ xung quanh sản xuất mới kịp đơn hàng. Thành lập HTX thứ nhất là để chia sẻ rủi ro. Thứ nữa là tôi muốn giúp bà con tận dụng nguồn thức ăn dư thừa. Ở vùng này, bà con trồng cây ăn quả rất nhiều, vào vụ thu hoạch tỷ lệ hoa quả hư hỏng nhiều, bỏ đi thì phí quá. Trong khi đây lại là nguồn thức ăn sạch, hữu ích cho chăn nuôi mà có những vùng muốn cũng không có được”, Tuấn chia sẻ.

Không dừng lại ở việc nuôi lợn rừng, Tuấn ấp ủ thử nghiệm và phát triển thêm nhiều giống vật nuôi. Hiện tại kênh bán hàng đem lại hiệu quả nhất đối với trang trại của Tuấn là thông qua nền tảng youtube. Chiến lược phát triển và định lượng dung lượng thị trường các dòng vật nuôi khác Tuấn cũng dựa trên nền tảng này. Tuấn thử nghiệm nuôi rất nhiều con như chuột lang, tỏ rừng lai, gà rừng và làm video quảng bá trên youtube. Mô hình nào nhận được nhiều tương tác thì đầu tư phát triển mô hình đó.

Lý giải lý do chọn thỏ rừng lai Tuấn chia sẻ: “Sắp tới trang trại sẽ triển khai nuôi thỏ rừng lai bởi loài này dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn giống với lợn rừng mà khi tôi quảng bá lượng tương tác nên tới vài chục nghìn lượt. Điều này cho thấy nhu cầu cao, thị trường tiềm năng nên tôi đầu tư”.

Chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, với sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, phát triển theo hướng hàng hoá tập trung đó là hướng đi vững chãi chắc chắn Ngô Đình Tuấn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

“Để xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn việc đa dạng đối tượng vật nuôi, lựa chọn vật nuôi phù hợp, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, chất thải của đối tượng này là đầu vào cho đối tượng kia là yếu tố then chốt. Từ đó, giúp giảm chi phí trong sản xuất, giảm giá thành, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nông so với sản xuất đơn lẻ chỉ chuyên một đối tượng duy nhất”.

                                                                                                                                                       Ngô Đình Tuấn tại xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hoá

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận