Tuy nhiên, việc chuẩn bị đầu tư yếu kém dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, có những đơn vị phân bổ vốn chậm đã gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức thực hiện, thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo các chuyên gia, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công có những tín hiệu tích cực nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án như bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc kéo dài quá thời gian quy định.
Ngoài ra, chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại một số ngành, địa phương chưa đảm bảo, không xác định rõ nguồn vốn đầu tư, phải thay đổi quy mô, điều chỉnh vốn đầu tư nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Những tồn tại của quá trình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công còn nằm ở một số nguyên nhân như công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế, một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện, chưa tập trung dứt điểm xử lý khó khăn, vướng mắc.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, điểm nghẽn nằm ở khâu phân bổ và phê duyệt các dự án đầu tư và một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường: "Nghẽn ngay từ khâu phân bổ và phê duyệt các dự án đầu tư, thủ tục này còn đang vòng vèo và thời gian chuẩn bị rất lâu, vấn đề về giải phóng mặt bằng, các nguồn nguyên liệu để tạo vật liệu cho xây dựng là các nút thắt. Rõ ràng, chúng ta có tiền nhưng đang vướng vào những vấn đề chủ yếu thuộc về cơ chế, chính sách. Đứng về lâu dài thì chúng ta cần phải hoàn thiện về cơ chế như chính sách trong việc phê duyệt phân bổ dự án cũng như là chính sách trong việc giải phóng mặt bằng, khai thác các mỏ vật liệu và quá trình triển khai...".
Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến thẩm định dự án, thanh toán vốn...
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng: "Công tác giám sát chuẩn bị giải ngân, thi công là rất yếu, từng dự án phải có các phiên họp giao ban hàng quý của tỉnh, của ban quản lý dự án với các nhà thi công, các nhà thầu để kiểm tra tiến độ kỹ lưỡng...".
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định nguyên nhân chính gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng. Do vậy, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương với quyết tâm thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và có các quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
"Việc phân bổ vốn đầu tư công phải được các bộ, ban, ngành chính quyền địa phương thực hiện một cách rất nghiêm ngặt và nhanh chóng, lúc đó các chủ đầu tư dự án các địa phương mới chuẩn bị tốt, điều tiếp theo là việc phối kết hợp giữa các cơ quan để giải quyết những khó khăn về giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên nhiên, vật liệu, lực lượng lao động cũng như máy móc thi công phải được đảm bảo tốt nhất. Rõ ràng ở đây vai trò của người đứng đầu phải được đề cao. Trước hết là giải quyết những công việc trong phạm vi của họ và nếu như những gì mà vượt khỏi phạm vi thì họ phải có yêu cầu với những cơ quan, ban, ngành liên quan để phối kết hợp" - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Bá Toàn/VOV1