Nguy cơ cháy nổ cao
Nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu vẫn len lỏi và tồn tại trên thị trường từ các chợ truyền thống đến các sàn thương mại điện tử. Hành vi bán hàng giả ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Hàng giả, nhái thương hiệu được sản xuất tinh xảo rất khó phân biệt vẫn trà trộn với những sản phẩm chính hãng trên thị trường, gây thiệt hại về tài chính, uy tín của doanh nghiệp và niềm tin, sức khỏe của người tiêu dùng.
Đặc biệt, thời gian gần đây khi thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, các thiết bị nhà bếp như tủ lạnh, bếp từ, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy rửa bát, máy lọc nước… cũng bị làm giả, làm nhái thương hiệu và xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục QLTT đã xử lý gần 24.000 vụ việc hàng giả và hàng hóa vi phạm, trong đó xử lý 233 vụ việc trên lĩnh vực thương mại điện tử.
Điển hình như tháng 4/2023, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với Đội Chống buôn lậu, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Yên Bái đã giám sát, chứng kiến tiêu hủy 1.000 bộ bếp từ đơn nhãn hiệu Philips công suất 2.500W là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Philips có tổng trị giá lên tới 180 triệu đồng.
Trước đó, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hưng Yên phối hợp với Đội chống buôn lậu (Đội 3) - Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho chứa hàng gồm 1.758 sản phẩm hàng hóa là máy phun áp lực nước, bếp từ… do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện kho hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa đó.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị điện dân dụng, phần lớn bếp từ, bếp hồng ngoại có giá rẻ trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém, gây mất an toàn cho người sử dụng. Những thiết bị này thường được sản xuất bằng vật liệu không đảm bảo chất lượng, nhất là mặt kính có khả năng dẫn nhiệt, chịu nhiệt, chịu lực kém nên dễ bị trầy xước, rạn vỡ hoặc có tình trạng quá tải gây nóng chảy, chập điện, giật điện người dùng và nguy cơ cao dẫn đến khả năng cháy nổ.
Ông Kenny Wee, Giám đốc kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn Schott Ag Đông Nam Á:
Khi mua phải hàng giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi đầu tiên khi chúng ta trả tiền thật nhưng lại nhận hàng giả. Hàng giả chắc chắn không có độ bền và tính năng kỹ thuật tốt như hàng chính hãng. Bếp từ giả rất dễ bị hỏng hóc, rạn vỡ và rất nhiều vấn đề về chất lượng trong quá trình sử dụng. Khi chúng ta mua bếp từ, điều chúng ta quan tâm là nó phải an toàn. Mua bếp giả, chúng ta vô tình để bản thân và gia đình đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài ra, bếp từ giả có hiệu suất năng lượng kém hơn đáng kể, chúng ta có thể phải trả nhiều tiền điện hơn.
|
Bà Christiane Donndorf, Giám đốc tiếp thị cấp cao thương hiệu bếp từ Schott Ceran khu vực châu Á cho biết, hiện nay một số sản phẩm Schott Ceran giả đang được bày bán tại Việt Nam với giá thấp hơn đáng kể so với hàng chính hãng. “Những sản phẩm giả mạo chất lượng thấp này có khả năng chịu nhiệt và độ bền cơ học kém, dẫn tới chất lượng không ổn định và dễ bị hỏng”, bà Christiane Donndorf khuyến cáo.
Bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng
Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung, Luật sư cao cấp Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam (BMVN), những sản phẩm như bếp từ Schott Ceran giả không chỉ gây tổn hại đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh của DN cũng như các thương hiệu bếp hàng đầu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Việt Nam. Bà Ngọc Dung chia sẻ, “bếp giả đến từ muôn nẻo, từ các thành phố đến thôn quê. Sau những năm phối hợp với lực lượng chức năng và theo yêu cầu của hãng, chúng tôi đã xử lý gần như toàn bộ những nơi bán đồ gia dụng tại Việt Nam. Chúng tôi nhận ra rằng phải đến 99% bếp giả đến từ Trung Quốc thông qua các con đường nhập khẩu chính thống, xách tay hoặc hàng lậu. Những đối tượng kinh doanh hàng giả thậm chí còn có những bí kíp để lừa sự giám sát của hải quan và các lực lượng, cơ quan chức năng khác”.
Còn ông Phùng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Kocher cho hay, việc đấu tranh với hàng giả là cuộc chiến không cân sức. Các thương hiệu bếp thường đầu tư rất nhiều tiền cho marketing, và các chi phí khác, trong khi chi phí đầu vào rất cao do DN nhập hàng chất lượng.
Ông Nguyễn Song Tùng, Tổng giám đốc European Home (Chef's):
Hàng giả có 2 yếu tố: giả về thương hiệu và giả về chất lượng. Nói đến hàng giả thương hiệu thì nó ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu chính hãng, vì để xây dựng một thương hiệu mất rất nhiều thời gian và công sức. Do vậy, hàng nhái thương hiệu ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của doanh nghiệp. Mục tiêu của hàng giả là tối ưu hóa lợi nhuận, vì vậy họ sẽ làm những sản phẩm có chất lượng kém. Việc giảm chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng và thường thì người tiêu dùng sẽ ngay lập tức quay lưng với thương hiệu đó mà chưa cần biết đó là hàng thật hay hàng giả.
|
Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua các DN kinh doanh bếp từ đã thường xuyên khảo sát thị trường tại các tỉnh, thành khác nhau để kịp thời phát hiện, thu giữ sản phẩm giả mạo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, do có vị trí địa lý đặc thù cũng như thị trường có hướng mở cao, hàng giả, hàng nhái thời gian qua vẫn được bày bán tràn lan tại Việt Nam, trong đó có các thương hiệu lớn như Schott Ceran.
“Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục QLTT đang tích cức phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong các hoạt động kiểm tra, nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động làm hàng giả và truy cứu trách nhiệm các cá nhân vi phạm. Sự phối hợp giữa các nhãn hiệu với lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng QLTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, sẽ giúp các đơn vị thực thi nhanh chóng phát hiện các sản phẩm Schott Ceran vi phạm, bảo vệ quyền lợi của DN và người tiêu dùng Việt Nam”, ông Linh nêu rõ.
Bà Katja Dybowski, Giám đốc kinh doanh Schott Ceran châu Á - Schott Ag cho biết, trước tình trạng này, Schott Ag cam kết hợp tác chặt chẽ với Tổng cục QLTT và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam để chống lại các sản phẩm giả mạo và những rủi ro liên quan mà nó gây ra cho người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về sự nguy hiểm của hàng giả và khuyến khích họ lựa chọn sản phẩm chính hãng đã được chứng nhận bởi Schott Ag và các đối tác địa phương.
Bà Christiane Donndorf, Giám đốc tiếp thị cấp cao Schott Ceran khu vực châu Á:
Chúng tôi đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng cục Quản lý thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Schott Ceran, chống lại mọi hành vi xâm phạm hoặc lạm dụng thương hiệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng vừa ra mắt chatbot để hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam. Nếu người tiêu dùng Việt Nam nghi ngờ hàng giả, họ có thể chat trực tiếp với chatbot để có được thông tin chính xác hơn.
|