Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng đạt 2,74 triệu tỷ đồng

Tín dụng cho bất động sản trong 9 tháng năm nay đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022 và chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

 

Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022 và chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng)

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, “NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”.

Trong 9 tháng năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả..

Tuy nhiên, trước tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng. Chất lượng tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn những rủi ro. Tỉ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9/2023 là 2,89%, tăng so với thời điểm 31/12/2022 (1,72%).

Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được ưu tiên cấp vốn.

Nhu cầu của thị trường bất động sản tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh. Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn.

Ngoài các yếu tố về tín dụng, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vướng mắc kéo dài về pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng hay sự mất cân đối cung cầu./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận