Gỡ 'nút thắt' vật liệu cho đường cao tốc

  • 16/11/2023 12:00:00
  • Tuấn Quang
  • Kinh tế
  • 0

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, thiếu hụt nguồn vật liệu chính là 'nút thắt' ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường cao tốc.

 

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, thiếu hụt nguồn vật liệu chính là “nút thắt” ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường cao tốc khu vực phía Nam và dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn từ Hà Tĩnh - Khánh Hòa. Nếu nhà thầu, chủ đầu tư, địa phương không chủ động triển khai các thủ tục khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù có thời hạn áp dụng trong năm 2023 sẽ thiếu hụt nguồn vật liệu cho các dự án.

Dự án cao tốc… chậm vì thiếu vật liệu đắp nền

Đã cuối mùa mưa, thời tiết ở Đồng bằng song Cửu Long rất đẹp, thuận lợi cho các đơn vị thi công, thế nhưng anh Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lại thở dài: “Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được khởi công từ ngày 1/1/2023, có chiều dài 110km, giai đoạn một có 4 làn xe hạn chế, với mặt bằng là 17m. Đến giờ khối lượng thi công đạt khoảng 12%, các đơn vị thi công vẫn chờ vật liệu để đắp đường”.

Nhà thầu đã loại bỏ phần lớp đất yếu, chờ cát để xử lý phần nền đường tại Phụng Hiệp, Hậu Giang.Anh Tuân cho hay, để xử lý nền đất yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà thầu sẽ phải bóc khoảng 30-50 cm lớp đất hữu cơ, sau đó đắp cát đến cao độ nhất định thì sẽ xử lý nền bằng bấc thấm. “Nhu cầu vật liệu vào khoảng 18,5 triệu m3. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các địa phương bố trí nguồn vật liệu, nhưng đến nay các mỏ cát đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục. Hiện nay mới khai thác một mỏ nhỏ. Đến giờ chưa có cát thì chưa thể xử lý nền đường…”, anh Lê Đức Tuân cho biết.

Do thiếu nguồn nhiên liệu làm nền đường nên các nhà thầu đã tập trung thi công 126 cây cầu trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Báo cáo về việc triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cho biết, sau gần 11 tháng triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tháo gỡ của các Bộ, ngành, địa phương, sản lượng thi công đạt gần 12% giá trị các hợp đồng. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu cát và đất đắp.

Đối với 10 dự án thành phần, đoạn Hà Tĩnh - Khánh Hòa, theo Bộ GTVT, nhu cầu cát vào khoảng 9,67 triệu m3, đất đắp vào khoảng 47,09 triệu m3. Đối với vật liệu cát, các nhà thầu đã trình hồ sơ 13/14 mỏ, các tỉnh đã xác nhận bảng đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ, đã khai thác được 5/10 mỏ với trữ lượng khoảng 2 triệu m3.

Về vật liệu đất, 5,14 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác. Còn lại gần 41,95 triệu m3 được sử dụng từ 71 mỏ mới đáp ứng trữ lượng (khoảng hơn 61 triệu m3). Hiện nay, các nhà thầu đã trình 56/74 hồ sơ mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 38/56 mỏ, đã khai thác được 24/38 mỏ với trữ lượng khoảng 21 triệu m3.

Bộ GTVT nhấn mạnh, để đáp ứng nhu cầu đất đắp, cần sớm hoàn thành các thủ tục khai thác của 14 mỏ đất đã được xác nhận bản đăng ký nhưng vẫn còn vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa thỏa thuận được với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất khi các chủ sở hữu đưa ra giá cao hơn so với giá Nhà nước bồi thường hiện nay.

Cụ thể, mỏ Hoàng Đàm ở tỉnh Quảng Bình 450 triệu đồng/ha đất trồng keo, mỏ Vĩnh Sơn 5 ở tỉnh Quảng Trị 1,4 tỷ đồng/ha đất trồng keo, mỏ Phú Ân ở tỉnh Phú Yên 1,2 tỷ đồng/ha đất trồng keo, ở tỉnh Quảng Ngãi mỏ Mễ Sơn 450 triệu đồng/ha, mỏ Chuông Ổi 1,4 tỷ đồng/ha, mỏ Núi Thị 1,8 tỷ đồng/ha... so giá Nhà nước khoảng trên dưới 300 triệu đồng/ha.

“Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ GTVT đang đề nghị Bộ TNMT cần có hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan đến thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án; giảm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với khu vực có rừng…”, Bộ GTVT đề nghị.

Như vậy dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua 12 tỉnh/thành phố, đã bàn giao mặt bằng được 92,6%. Dự án khởi công ngày 1/1/2023, sản lượng thi công đạt 11.305 tỷ đồng, tương đương 11,78% giá trị hợp đồng, chậm 1,29% so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu đắp.

Cũng theo Bộ GTVT, các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, qua khảo sát, các mỏ vật liệu trong khu vực đủ nguồn cung cấp cho dự án.

Đối với dự án vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, theo Bộ GTVT đã khảo sát xác định đủ nguồn cung cấp từ 57 mỏ tại các địa bàn TP Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc... Để đáp ứng tiến độ dự án, chủ đầu tư cần sớm làm việc với các địa phương để triển khai thủ tục khai thác.

Tại dự án vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT cho hay, riêng cát đắp nền, cát xây dựng mới xác định nguồn cung đáp ứng 80% nhu cầu.

Ba giải pháp lớn Bộ GTVT đề xuất

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai và bảo đảm nhu cầu vật liệu các dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp.

Theo đó, đối với các cơ quan chủ quản (Bộ GTVT, UBND tỉnh/thành phố) khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành thủ tục để khởi công các dự án, gói thầu còn lại, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Chủ động làm việc với các địa phương để xác định đủ nguồn cung cấp vật liệu và triển khai các thủ tục khai thác bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Thiếu vật liệu, các nhà thầu dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã tập trung xây cầu, bảo đảm tiến độ dự án.Đối với các địa phương, cần tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng, trong đó sớm triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt đối với dự án vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh và Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Đẩy nhanh các thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác đối với các hồ sơ mỏ đã được các nhà thầu trình; hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất, rừng nếu có; hỗ trợ các nhà thầu để làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất.

UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long hoàn thiện các thủ tục để cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác, triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian, sớm đưa vào khai thác các mỏ đã giao cho nhà thầu và bố trí đủ nguồn cát cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn TP Cần Thơ - Cà Mau.

Đối với Bộ TNMT, cần hỗ trợ, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu xây dựng giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thỏa thuận bồi thường với các chủ sở hữu. Bên cạnh đó, Bộ TNMT sớm tham mưu cho Chính phủ cho phép các địa phương được nâng công suất các mỏ đang khai thác phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hà Tĩnh – Khánh Hòa.

Thí điểm cát biển cho kết quả khả quan

Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với Bộ TNMT triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Theo đó, đã tổ chức thi công thử nghiệm đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án Hậu Giang – Cà Mau, hiện đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8/2023, đang trong quá trình quan trắc, đánh giá.

Kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá (đã thực hiện được 5 kỳ) cho thấy nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Bộ GTVT đã tổ chức làm việc với Tập đoàn Gelemximco, các chuyên gia tập đoàn Boskalis Hà Lan để cung cấp các thông tin và kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Các chuyên gia của Hà Lan đã chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng cát biển tại các dự án xây dựng công trình giao thông tại Hà Lan và đã cung cấp các thông tin có liên quan để khảo sát.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận