Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, để thúc đẩy TTTD và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Quan trọng là làm thế nào để DN có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Cơ hội tiếp cận vốn vay dịp cuối năm
Hiện nay, TTTD của các ngân hàng không như kỳ vọng và ở mức thấp. Trong khi đó, DN ở nhiều lĩnh vực đang khó khăn, suy giảm suốt thời gian qua cũng mong muốn có cơ hội tăng trưởng ở dịp cuối năm này và cần được vay vốn để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng đó.
Dịp cuối năm, cả ngân hàng và DN đều nhìn thấy cơ hội về thị trường bán buôn, bán lẻ sẽ khởi sắc hơn; xuất khẩu gạo, cà phê và nông sản Việt Nam có lợi thế; sản xuất thức ăn, đồ uống tăng; nhu cầu tiêu dùng cũng tăng…Ngoài ra, còn có nhu cầu tín dụng của các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện, cùng những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản từ quý IV/2023 khi mặt bằng lãi suất giảm.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) cho rằng, năm nay cả nhà nước, DN và ngân hàng đều kêu khó. DN cần vốn nhưng mức độ rủi ro trong hoạt động ngày càng nhiều, việc chuyển đổi xanh là bắt buộc nên muốn tiếp cận vốn vay đòi hỏi DN phải chủ động nhiều hơn.
“Việc khơi thông nguồn vốn không chỉ là ngày 1 ngày 2, mà phải là một quá trình. Trong đó, DN phải vận động nhiều hơn nữa, tư duy kinh doanh phải thay đổi, đạo đức kinh doanh phục vụ cho người tiêu dùng một cách bền vững, chuyển đổi mô hình theo hướng xanh, bền vững sẽ được ngân hàng cho vay”, ông Trường nhận định.
Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã thực hiện được 30 hội nghị kết nối ngân hàng - DN, qua đó cho 180.000 khách hàng vay 581.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục đưa các giải pháp khơi thông tín dụng như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn…Từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, các ngân hàng tại TP.HCM sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, đảm bảo nhu cầu vốn dịp tết, cho vay ngắn hạn 9.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (chỉ 4- 6%/năm), giúp DN giảm giá thành, ổn định giá bán hàng Tết.
Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế Việt Nam phần lớn vốn từ ngân hàng, mối quan hệ giữa các ngân hàng thương mại với DN là cộng sinh, cần chấp nhận rủi ro cùng nhau. Đồng thời, trong các lĩnh vực cho vay, pháp lý, chủ trương phải thông, điều kiện phải đủ thì ngân hàng mới dám xuống tiền. Ngân hàng có thể bớt ít lợi nhuận, có những gói cho vay với lãi suất thấp hơn.
“Ngân hàng làm sao cân đối, chấp nhận rủi ro nhưng chấp nhận ở mức nào họ có quy chế rất rõ, DN cũng phải đặt ra quy chế đó để thực chất là cộng sinh. Thực tế hiện nay ngân hàng đã hạ chuẩn, cơ cấu lại nợ, giảm điều kiện cho vay đối với DN, khoanh nhóm nợ, không chuyển nhóm nợ”, ông Thành đánh giá.
Khó ở đâu, gỡ ở đó
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng DN, ngân hàng HDBank, thúc đẩy TTTD không chỉ là mong mỏi của các DN mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của các ngân hàng thương mại. Ở thời điểm ngân hàng cần cho vay và DN cần vốn như hiện nay, ngân hàng và DN đến với nhau như bạn, cần hiểu và thẳng thắn với nhau, tin nhau. Hiện ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay và thiết kế nhiều gói tín dụng để đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của DN.
“Thời điểm hiện tại ngân hàng và DN đến với nhau như những người bạn nên họ hiểu nhau hơn. Trong những gói cho vay hiện tại có thể sẽ không phải là cho một hợp đồng mua bán, không để tăng trưởng mà là để đáp ứng thanh khoản, miễn là DN có nguồn tiền trả cho khoản tín dụng đó. Ngân hàng và DN có thể không tăng trưởng nhưng vẫn tồn tại cùng nhau”, ông Phương nhận xét.
Tuy nhiên theo ông Phương, được tạo thuận lợi về vốn, DN cũng phải cố gắng để không rơi vào khó khăn. Theo chuyên gia, DN cần tránh 3 điều: Mất cân đối tài chính, lấy vốn ngắn hạn để nuôi dài hạn, giật gấu vá vai; nợ quá cao; vòng quay vốn dài quá.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, TTTD TP.HCM tính đến cuối tháng 10 là 4,67% so với cuối năm 2022 và 7% so với cùng kỳ, thấp hơn so với tốc độ của cả nước. Để thúc đẩy TTTD và vốn đến được DN, ngân hàng nâng cao trách nhiệm để DN được kịp thời tháo gỡ khó khăn.
“DN khó tiếp cận vốn vay, ngân hàng phải lượng hóa việc khó khăn đó ở đâu. Vướng chính sách phải kiến nghị để có chính sách tốt hơn. Vướng thủ tục hành chính, con người ngân hàng xử lý để rút ngắn thời gian thủ tục. Vướng ở DN thì phải chia sẻ, phải sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đó là nguyên tắc vay và phải có trách nhiệm trả nợ”, ông Lệnh chỉ rõ.
Hiện nay, chính sách tín dụng của NHNN đã và đang tác động đến toàn bộ các DN trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực. Đó là, đối với DN còn khó khăn sẽ cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ. Đối với DN hoạt động tốt, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ vốn, lãi suất giúp DN hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
Minh Hạnh/VOV-TP.HCM