Thương mại điện tử và kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để thương mại điện tử phát triển, cần tăng cường các giải pháp để chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử...

 

Bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm trở lại đây. Hình thức kinh doanh này có nhiều ưu điểm và được đón nhận rộng rãi. Nhiều người bán hàng đã chuyển hướng từ kinh doanh truyền thống sang bán qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc kết hợp cả hai.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương thực hiện sáng kiến “Thúc đẩy Kinh doanh có trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm khuyến khích hoạt động thương mại điện tử phát triển một cách lành mạnh, bền vững, đảm bảo tốt quyền lợi của người tiêu dùng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Ðề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động thương mại điện được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nhằm khuyến khích hoạt động thương mại trên các sàn, website thương mại điện tử phát triển một cách lành mạnh, bền vững, vì người tiêu dùng, Bộ Công Thương tăng cường phối hợp với các Bộ ngành trong việc chia sẻ dữ liệu TMĐT, như xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu TMĐT với Bộ Tài chính;

Phối hợp với Bộ Tài chính có phương án kết nối chia sẻ dữ liệu giao dịch xuất nhập khẩu thông qua TMĐT với Bộ Công Thương để kịp thời nắm bắt thông tin về TMĐT xuyên biên giới, đồng thời có phương án kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quản lý hoạt động TMĐT nói chung sau khi Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT được ban hành.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý. Có nhiều khó khăn khi đấu tranh với vi phạm trên môi trường mạng.

Thêm vào đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm: hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử nói chung, các quy định điều chỉnh giao dịch thương mại điện tử nói riêng, hay các quy định về quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng...

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm. 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Do vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Để hạ tầng chính sách được hiệu quả, đồng bộ, Quốc hội, Chính phủ hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử như: Luật Giao dịch điện tử sửa đổi 2023, luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi 2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử...

Nguyễn Hoàng/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận